Quyết định lịch sử, ông Donald Trump hụt hẫng trước cuộc chiến với Trung Quốc
Quyết định lịch sử trong hơn 1 thập kỷ đáng nhẽ đã mở ra cơ hội to lớn cho ông Donald Trump trước cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, đã có những bất ngờ lớn xảy ra và tất cả đang còn ở phía trước.
Cú đảo chiều lịch sử
Sau phiên họp kéo dài 2 ngày thu hút sự chú ý của thị trường tài chính toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) của chủ tịch Jerome Powell đã quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm xuống 2-2,25%. Chương trình giảm số dư trên bảng cân đối kế toán cũng được thực hiện sớm hơn 2 tháng.
Đây là quyết định đảo chiều đầu tiên của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng cách đây 11 năm (2008) trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về chiến tranh thương mại và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, lần gần nhất Mỹ giảm lãi suất là vào giữa tháng 12/2008 khi nền kinh tế số 1 thế giới đang chìm trong khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng của nó lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Khi đó, Mỹ đã hạ lãi suất xuống 0-0,25% và duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục này thêm 7 năm trước khi tăng dần 9 lần (4 lần trong năm 2018) lên mức 2,25-2,5%.
Fed quyết định hạ lãi suất được xem như một động thái phòng ngừa lại những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, và được Ủy ban thị trường mở Fed (FOMC) giải thích là xuất phát từ “tác động từ diễn biến toàn cầu đến triển vọng kinh tế cũng như áp lực lạm phát yếu ớt”.
Trong cuộc họp lần này, chỉ có chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City, Esther L. George và chi nhánh Boston, Eric Rosengren phản đối.
Quyết định chấm dứt chương trình giảm số dư trái phiếu trên bảng cân đối kế toán của Fed sớm hơn dự kiến cũng được xem là một hành động tích cực. Nó được giải thích là nhằm phòng ngừa cho sự không chắc chắn về triển vọng một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững, thị trường lao động mạnh và lạm phát gần mức mục tiêu 2%.
Trên thực tế, quyết định giảm lãi suất 25 điểm phần trăm đã được thị trường dự báo với tỷ lệ gần 100% và không có gì bất ngờ, trong bối cảnh lạm phát kinh tế Mỹ trong một thời gian dài không lên được mức 2% và triển vọng khá bấp bênh khi mà cả nước Mỹ đang trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng như những bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu.
Những nhân vật kỳ cựu trên thị trường tài chính Mỹ cũng đã ủng hộ một quyết định nới lỏng chính sách tiền, với những gương mặt tiêu biểu như cựu chủ tịch Fed Alan Greenspan và bà Janet L. Yellen, cựu phó Fed Donald Kohn…
Tổng thống Trump đương nhiên là người nóng lòng nhất về một quyết định đảo chiều chính sách của Mỹ. Ông Trump kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay, khoảng 50 điểm phần trăm, để hỗ trợ tích cực cho kinh tế Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Ông Trump và Powell
Trước đó, tổng thống Mỹ đã rất nhiều lần chỉ trích Fed, thậm chí còn dọa sa thải ông Powell. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng nếu Fed không thắt chặt tiền tệ như thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã là 4%, không phải quanh mức 3% như vừa qua. Chỉ số chứng khoán Dow Jones cũng cao hơn nhiều so với mức 10.000 điểm hiện tại.
Hai từ của Powell, ông Trump hụt hẫng
Theo chủ tịch Fed Powell, việc nới lỏng chính sách đã bắt đầu từ vài tháng trước khi Fed đảo chiều từ ý định nâng lãi suất 2 lần trong 2019 sang không tăng lãi suất và lập trường “kiên nhẫn chờ đợi”.
Mặc dù vậy, điều đáng ngại đối với ông chủ Fed là tính độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ. Những chuyển biến trong quyết định của Fed trong thời gian gần đây gắn liền với những áp lực rất lớn đến từ chính quyền ông Donald Trump.
Thách thức với Fed có lẽ chính là phải vượt qua được những áp lực chính trị. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến những rủi ro bong bóng tài chính từ một quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như dư địa chính sách phòng ngừa cho một cuộc khoảng mới có thể xảy ra.
Về tín hiệu chính sách, Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất thêm trong tương lai và sẽ đưa ra những hành động “phù hợp để duy trì đà tăng trưởng”, dựa trên những dữ liệu kinh tế được công bố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý sau quyết định của Fed chính là lời phát biểu lý giải của chủ tịch Powell với 2 từ quan trọng, rằng đợt hạ lãi suất chỉ là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ” (midcycle adjustment). Đây là một tín hiệu cho thấy, Fed chưa chắc sẽ giảm lãi suất thêm trong năm nay.
Mẫu thuẫn Mỹ-Trung ngày càng lớn
Câu nói của ông Powell ngay lập tức có tác động tiêu cực lên kỳ vọng của thị trường, khiến thị trường chứng khoán tụt giảm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt 470 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc hơn 1%.
Chỉ với 2 từ, ông Powell đã cùng một lúc làm được 2 việc: giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường cũng như tránh áp lực lớn từ phía ông Donald Trump và cũng khẳng định được tính độc lập của Fed.
Nhưng với ông Donald Trump, những diễn biến này có lẽ không thể hài lòng được. Đã từ lâu, ông Trump luôn công khai khẳng định những thành tựu của một vị tổng thống nằm ở tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, việc làm nhiều và thị trường chứng khoán tăng mạnh…
Giờ đây, những mong muốn của ông Trump còn mãnh liệt hơn trong bối cảnh Mỹ-Trung đang chìm sâu trong một cuộc chiến thương mại với nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cũng đang trì hoãn, không vội vàng đàm phán với Mỹ.
Trong vòng đàm phán mới nhất, vòng thứ 12 nối lại sau cú đổ vỡ của 11 vòng trước đó, Mỹ-Trung đã kết thúc sớm cuộc họp tại Thượng Hải và quan chức Mỹ ra thẳng sân bay về Mỹ mà không có thông báo gì.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc không nên chờ đến năm 2020 bầu cử Mỹ mới đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ bởi nếu ông thắng cử thì thỏa thuận sẽ khắc nghiệt hơn hoặc thậm chí sẽ không có thỏa thuận nào hết.
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ hồi tháng 5 sau 11 vòng bất thành. Mâu thuẫn giữa 2 bên được đánh giá là quá lớn và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Washington và Bắc Kinh nhượng bộ.
Ông Trump chịu áp lực khá lớn về nhiều vấn đề đến từ phía đảng Dân chủ. Tuy nhiên, gần đây ông chủ Nhà Trắng giành được nhiều thắng lợi. Bên cạnh đó, chống Trung Quốc là một vấn đề được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ, kể cả các thành viên đảng Dân chủ cho tới Hạ, Thượng viện.
Theo: M. Hà
Vietnamnet