Quỹ Tiền tệ quốc tế chi 18 tỷ USD viện trợ Ukraine

(Dân trí) - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm nay (28/3) đã công bố một khoản cứu trợ trị giá từ 14 - 18 tỷ USD cho Ukraine, nhằm giúp ổn định nền kinh tế, trong bối cảnh Ukraine đang bên bờ vực phá sản.

Kinh tế Ukraine đang rất khó khăn
Kinh tế Ukraine đang rất khó khăn

Trưởng nhóm công tác của IMF Nikolay Gueorguiev khẳng định khoản cứu trợ này sẽ dưới dạng một “thỏa thuận dự phòng”.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Bom nợ Trung Quốc giấu ở đâu?

* Ngán ngẩm siêu dự án 6.000 tỷ “bất động”

* Hà Nội đóng cửa 50% sàn giao dịch BĐS

* Ocean Group huy động 500 tỷ đồng trái phiếu đầu tư 2 trung tâm thương mại

Tối qua, Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaueble cho biết gói cứu trợ cho Hy Lạp có thể là một mô hình cho Ukraine. Điều này có nghĩa là các chủ nợ sẽ bị buộc phải chấp nhận xóa nợ một phần cho Ukraine.

Các cuộc đàm phán cứu trợ đã kéo dài nhiều tuần trong bối cảnh các bên liên quan tranh cãi về điều khoản của thỏa thuận, và sự điêu đứng của kinh tế Ukraine tiếp tục bộc lộ.

Thỏa thuận này sẽ giúp chính phủ thân EU mới tại Ukraine có thêm vị thế trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, IMF không muốn bị xem là người hậu thuẫn cho bất kỳ ứng cử viên nào tại Ukraine, bởi có tin đồn rằng hầu hết các chính trị gia Ukraine từng tham gia chính phủ đều dính tới tham nhũng.

“Một chương trình hỗ trợ của IMF trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng rất khó khăn”, Timothy Ash, trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Standard Bank khẳng định.

Ukraine có lẽ cần nhiều hơn con số 15 tỷ USD, đặc biệt là sau khi tập đoàn dầu mỏ và khí đốt quốc doanh Naftogaz Ukrainy công bố con số thua lỗ vượt xa dự báo, lên tới 7 tỷ USD. Đầu tháng 3, Bộ trưởng tài chính Ukraine cho biết nước này sẽ cần từ 15 - 20 tỷ USD.

Một phần trong những thách thức của quá trình cứu trợ đến từ khoản nợ 3 tỷ USD với Nga, dưới dạng trái phiếu chính phủ Ukraine. Nếu số tiền IMF cứu trợ khiến tỷ lệ nợ/GDP của Ukraine vượt mức 60% mà Nga đã quy định khi mua trái phiếu, Mátxcơva có quyền yêu cầu hoàn trả sớm số tiền 3 tỷ USD này.

Bên cạnh đó, việc Ukraine phải tăng mạnh giá khí đốt bán cho các hộ gia đình cũng là một yếu tố gây trở ngại.

Trong bối cảnh rộng hơn về việc Ukraine sẽ ảnh hưởng ra sao tới phần còn lại của thế giới, tất cả sẽ tùy thuộc và việc các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga sẽ đi xa đến đâu, và gây thiệt hại lớn chừng nào.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã úp mở về các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn những gì đã áp đặt sau cuộc họp với các lãnh đạo EU tại Bỉ.

“Hiệu ứng lan tỏa từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có khả năng khiến căng thẳng địa chính trị ở mức cao trong ngắn hạn, và có thể tạo ra thêm nguy cơ giảm tốc cho tăng trưởng của Nga và các quốc gia láng giềng thân cận”, một nghiên cứu của ngân hàng Citibank cho biết.

“Dù vậy, sự lệ thuộc cao của châu Âu và dầu mỏ và khí đốt của Nga (và sự phụ thuộc của Nga vào doanh thu xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu) khiến cả UE và Nga phải có sáng kiến để tránh những lệnh trừng phạt thương mại trực diện”.

Chính phủ của thủ tướng Arseniy Yatsenyuk hiện đang đối mặt với nguy cơ kinh tế sụt giảm khoảng 3% trong năm nay. Ông Yatsenyuk đã ủng hộ quyết định cắt giảm trợ cấp giá khí đốt và phúc lợi xã hội với tuyên bố sẵn sàng trở thành “thủ tướng không được ưa thích nhất lịch sử”.

Kể từ đầu năm tới nay, đồng hryvnia của Ukraine đã lao dốc 26% so với USD, và là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số 170 đồng tiền được Bloomberg theo dõi. Lợi tức trái phiếu chính phủ Ukraine kỳ hạn 10 năm đã giảm 0,13%, xuống 9,44% trong đêm qua tại Kiev.

“Một thỏa thuận với IMF là thiết yếu trong việc ngăn ngừa khả năng phá sản và có thêm bất ổn chính trị”, Fredrik Erixon, giám đốc Trung tâm kinh tế chính trị châu Âu tại Brussels nói. “Nhưng nó sẽ không giúp đem tăng trưởng trở lại. Chúng ta cần phải tìm ra cần thực hiện những cải cách gì về kinh tế, và những cải cách nào là khả thi về mặt chính trị”.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước