Quỹ đầu tư chung: Tại sao không?

Tại sao người dân không đầu tư vào các quỹ đầu tư công chúng? Ông Robert Rountree, giám đốc dịch vụ đầu tư, công ty quản lý đầu tư Prudential châu Á, nêu vấn đề.

Quỹ đầu tư công chúng đang thịnh

 

Theo ông Rountree, các nền kinh tế châu Á có nhiều nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả. Năm 2002, tại Anh, Mỹ, phần lớn người dân đầu tư vào các quỹ công chúng, quỹ hưu trí, cổ phiếu, trái phiếu hoặc mua bảo hiểm nhân thọ thì ở Hong Kong, Singapore, Indonesia, Đài Loan... các hộ gia đình giữ tiền mặt hoặc gửi ngân hàng chiếm tỷ lệ cao, thậm chí ở Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, tỷ lệ người dân giữ tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm hơn một nửa so với các kênh đầu tư xã hội khác.

 

Tuy tỷ lệ đầu tư vào quỹ công chúng có tăng vào năm 2005 tại châu Á, nhưng cũng còn nhỏ so với tốc độ tăng ở châu Âu và Mỹ. “Lý do quỹ công chúng chiếm tỷ lệ cao vì suất sinh lời từ các quỹ này cao”, ông giải thích.

 

Có nhiều lý do để người dân bỏ tiền vào quỹ công chúng. Thứ nhất, công chúng chỉ có thể đầu tư với điều kiện là hiểu rõ công ty niêm yết, hiểu rõ thông tin công ty.

 

Thứ hai, người dân không có thời gian để quan tâm theo dõi đầy đủ đến thị trường. Và quan trọng là kỹ năng mua bán, ở đây là chọn thời điểm mua, bán chính xác, biết thời điểm mua ở đáy và bán ở đỉnh của giá thị trường. “Không ai có kỹ năng đầu tư như thế, vì vậy, người dân thông thường phải đầu tư qua quỹ công chúng”, ông Robert cho biết.

 

Châu Á: chưa mặn mà với quỹ công chúng?

 

Chính vì vậy mà quỹ đầu tư tại châu Á có tiềm năng phát triển trong tương lai, Việt Nam không là ngoại lệ. Theo ông Robert, tăng trưởng kinh tế càng cao, lợi nhuận có được từ nền kinh tế càng cao do người dân ngày càng giàu lên. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một tiềm năng do Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, nền kinh tế Nhật Bản, nước đứng đầu về đầu tư vào Việt Nam, đang phục hồi mạnh, có thể làm tăng luồng vốn FDI chảy vào VN.

 

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mặt không tốt của nền kinh tế trong con mắt các nhà đầu tư: “Bản chất của nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, vài năm gần đây tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao, làm tăng rủi ro cho tăng trưởng kinh tế và gây ra nguy cơ lạm phát cao”.

 

Nhiều năm trước, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào châu Á vì nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều làm họ không thích là phần lớn các công ty châu Á là công ty gia đình, mức độ minh bạch không cao và khung luật pháp không ổn định.

 

Vì vậy, họ đánh giá các công ty ở thị trường khác cao hơn. “Đó là tình hình trước khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997”, ông cho biết.

 

Sau năm 1997, các quốc gia ở châu Á ban hành luật chặt chẽ hơn, và các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp hơn. “Nói cho cùng, khủng hoảng năm 1997 là một cuộc khủng hoảng tốt lành, là một cuộc thanh lọc, giúp các công ty tinh giản bộ máy, tình hình tài chính rõ ràng hơn”, ông Robert nhận định.

 

Chính vì vậy, khoảng cách đánh giá các công ty châu Á so với các công ty ở thị trường khác đã dần rút ngắn. Theo nhận định của ông Robert, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn không bỏ qua được tính dao động lớn của một thị trường chứng khoán đang lên, nhưng đó là một thị trường tiềm năng và còn thời gian để chạy đua với thị trường chứng khoán các nước trong khu vực.

 

Theo Hồng Sương

Báo SGTT