Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý I đã âm hơn 620 tỷ đồng

(Dân trí) - Số tiền xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quý I gấp tới hơn 3 lần số trích quỹ khiến quỹ này đang âm.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu hết quý I đã âm hơn 620 tỷ đồng - 1

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho biết, theo con số vừa được Bộ Tài chính công bố sáng 13/6, tổng số tiền trích quỹ bình ổn giá trong quý I là trên 1.659 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền đã sử dụng của quỹ này trong quý lên tới hơn 5.787 tỷ đồng. Như vậy, tính tới hết quý I, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu là âm 620 tỷ đồng.

Trước đó, số dư quỹ tại thời điểm 31/12/2018 là 3.504 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hụt khoảng hơn 4.124 tỷ đồng.

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mới đây, nhiều chuyên gia tiếp tục bày tỏ ý kiến bỏ quỹ này. 

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi" bởi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ. 

Bên cạnh đó, VINPA cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. 

Một số chuyên gia cũng cho rằng, một trong những vấn đề liên quan tới quỹ BOG còn ở tính minh bạch thông tin. Hiện nay, đa phần người dân không biết việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như thế nào, cơ chế ra sao. Chưa kể không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có thể “lợi dụng” Quỹ BOG để hưởng lợi.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý dường như lại có cách lý giải ở góc độ khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu - Phó ban Ban Chỉ đạo điều hành giá: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu có tính toán cả âm và dương, nếu âm thì doanh nghiệp được bù luôn lãi suất, ví như doanh nghiệp chi bù số tuyệt đối sau 1 lít xăng bình quân là 10 thì được cộng lãi thành 11. Lãi thì tăng vào số thu của quỹ mà lỗ thì tăng vào số chi của quỹ để quyết toán vào quỹ, sao cho tổng cộng cuối cùng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng, không có ai bị thiệt".

"Nguyên tắc của Quỹ là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên, đây không phải là can thiệp hành chính, đây chính là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Nếu đợt vừa qua khi giá điện tăng, giá xăng cũng tăng sẽ gây sốt lạm phát kỳ vọng, sẽ bị cộng hưởng rất mạnh”, ông Hiếu cho biết.

Phương Dung