Quỹ bình ổn xăng dầu: Có nên xóa để "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"?

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế lên tiếng cho rằng mô hình điều hành giá xăng dầu lý tưởng nhất mà cơ quan quản lý nên hướng tới là thả nổi giá theo diễn biến thị trường thế giới cũng như khả năng sản xuất trong nước, bỏ quỹ bình ổn giá...

Quỹ bình ổn xăng dầu: Có nên xóa để cong ăn cong, thẳng ăn thẳng? - 1

Kiểm toán Nhà nước cũng đã từng chỉ ra hàng loạt bất ổn liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ BOG.

Các nước không cần, Việt Nam nên bỏ?

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới.

Trong văn bản gửi Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Đề xuất này ngay sau đó thu hút quan tâm từ phía dư luận bởi trước nay, quỹ này vốn vẫn gây nhiều nhiều băn khoăn, nghi ngờ từ khi ra đời.

Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, quỹ bình ổn có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo.

Với cơ chế này, nếu người dân là những người trực tiếp đóng vào quỹ này có nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự lực I (Hà Nội) cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn này bởi nó không cần thiết.

“Nên để giá xăng xầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thế giới lên thì mình cũng lên, họ giảm mình cũng giảm. Các nước họ cũng đâu có cần quỹ bình ổn này đâu”, ông Tiu nói.

Theo vị này, bấy lâu nay người dẫn vẫn đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong quản lý quỹ bình ổn. Chưa kể việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Bỏ quỹ bình ổn giá, ông Tiu cho rằng việc điều hành giá sẽ tốt hơn, bình đẳng hơn.

Trước nỗi lo tăng giá sốc nếu bỏ quỹ bình ổn, vị chủ doanh nghiệp này cho rằng: Bình thường nếu bình quân 15 ngày điều chỉnh 1 lần thì giảm xuống 10 ngày, thậm chí 5 ngày. Như vậy sẽ khó có khả năng tăng sốc. Điều này cũng thuận tiện hơn cho doanh nghiệp khi không phải lo tích trữ hay lo quỹ bị âm.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng mô hình điều hành giá lý tưởng nhất mà cơ quan quản lý nên hướng tới là thả nổi giá theo diễn biến thị trường thế giới cũng như khả năng sản xuất trong nước.

“Hiện nay, khi Chính phủ còn đặt mục tiêu bình ổn giá mặt hàng này và mong muốn kiểm soát tốt lạm phát thì những dao động mạnh trong ngắn hạn sẽ phải kiềm chế bằng công cụ quỹ bình ổn giá. Nhưng về lâu dài, mặt hàng này không thể từ chối tuân thủ quy luật thị trường", TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh.

Còn theo quan điểm của PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc đưa quỹ bình ổn vào giúp điều hành vĩ mô, ổn định giá xăng phần nào, đáng nhẽ tăng 10 thì chỉ tăng 7 thôi.

Tuy nhiên, một điểm bất cập trong việc sử dụng quản lý quỹ được vị này chỉ ra đó là việc xả quỹ chưa hợp lý. Theo ông Long, quỹ bình ổn nên dự phòng cho những thời điểm quan trọng, đặc biệt là cuối năm hoặc sau khi tăng giá điện theo lộ trình.

Trước kiến nghị bỏ quỹ bình ổn, ông Long nói: Khi nào giá thực sự do thị trường tự quyết định (tức là do doanh nghiệp và người tiêu dùng) quyết định thì có thể bỏ.Hiện nay có 3 doanh nghiệp kinh doanh phân phối trong lĩnh vực chiếm tới 70% thị phần thì khó có thể để cơ chế doanh nghiệp tự định giá.

Quan điểm trái chiều

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Vy – Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam nói với Dân trí: “Giá xăng dầu hiện nay vẫn cần có sự điều tiết từ phía nhà nước. Nếu không có quỹ thì ổn định giá bằng cách gì – đó là vấn đề đặt ra khi muốn bỏ quỹ này”.

Theo quan điểm cá nhân của ông Vỹ thì quỹ bình ổn vẫn cần duy trì để tránh việc tăng sốc. Có chăng điều cần thay đổi là làm sao có cơ chế để minh bạch hơn, tăng cường giám sát từ các bên hơn.

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp, rất nhiều người đã lên tiếng phàn nàn về quỹ này. Họ cho biết, với quỹ bình ổn giá xăng dầu họ phải gửi vào một tài khoản ngân hàng cố định, lãi thì nhập vào gốc. Nhưng khi quỹ bị âm thì phải vay ngân hàng hoặc bù bằng vốn tự có.

Báo cáo kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Kiểm toán Nhà nước cũng từng chỉ ra hàng loạt bất ổn liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trong đó có quỹ bình ổn

Tuy thừa nhận việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết trong trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động, Kiểm toán Nhà nước vẫn cho rằng việc trích quỹ này vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá, cơ quan điều hành giá lại đồng thời thực hiện cả trích quỹ và chi .

Như vậy, khi bù trừ phần chi quỹ và phần trích quỹ cho nhau thì giá xăng dầu vẫn không được hỗ trợ nhiều và nhiều trường hợp vẫn phải tăng giá. Trong khi đó, thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn quỹ với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá.

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, lãnh đạo Bộ Công Thương nhiều lần khẳng định việc sử dụng quỹ này giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.

Trong cuộc họp báo quý I/2019 ngày 5/4 tại Bộ Công Thương, trước câu hỏi của báo chí về việc có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nữa không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải từng cho hay: "Cá nhân tôi không muốn có quỹ này. Tôi mong càng sớm càng tốt bỏ quỹ đi, để cong ăn cong, thẳng ăn thẳng".

Tuy nhiên, ông Hải cho biết ở thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Do đó, vẫn cần có vai trò quản lý của nhà nước.

Nguyễn Mạnh