1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quota nhập vàng đã về đến doanh nghiệp

(Dân trí) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Quota nhập khẩu đã về đến các đầu mối kinh doanh vàng với thời gian thực thi 14 ngày.

Quota nhập vàng đã về đến doanh nghiệp - 1
Thông tin vàng nhập khẩu đang làm dịu thị trường.
 
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, giá vàng miếng trong nước tăng do ảnh hưởng từ diễn biến giá trên thị trường thế giới và yếu tố tâm lý. Diễn biến của một số yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, nhập siêu tăng, tỷ giá cao... đã khiến cho người dân lo ngại về giá trị đồng nội tệ, xuất hiện tâm lý tích trữ.
 
Hiện tượng đầu cơ, “té nước theo mưa” cũng không loại trừ do nhiều năm nay, lượng vàng ngoài dân cư tồn tại với một số lượng rất lớn. Cơn sốt giá sáng 9/11 không khác nhiều so với những lần trước, đều do giá vàng thế giới biến động và giá vàng trong nước luôn đứng ở mức cao hơn so với giá vàng thế giới. Một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc đã đóng cửa sớm trước tình trạng giao dịch quá "nóng" của thị trường.
 
Và trước cơn điên loại của giá vàng, mở cửa thị trường ở mức 3,75 triệu đồng/chỉ rồi nhanh chóng tăng lên mốc 3,82 triệu đồng/chỉ, chiều qua 9/11, NHNN đã tiến hành xét duyệt các hồ sơ, cấp quota cho phép nhập khẩu vàng, có giá trị trong vòng hai tuần.
 
Như vậy, đây là lần thứ ba trong năm 2010, NHNN cấp quota cho doanh nghiệp nhập vàng. Lần gần nhất vào ngày 7/10, tổng lượng quota được cấp vào khoảng 3 tấn, nhưng thời hạn của giấy phép khoảng 3 - 4 ngày. Và lần cấp quota này, NHNN cũng chỉ nói là cấp với số lượng phù hợp chứ không công bố con số cụ thể.
 
Hầu hết những đơn vị được cấp quota trong chiều 9/11 là ngân hàng, như: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Việt Á và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng như SJC, Phú Nhuận.
 
Cũng theo khẳng định từ Thống đốc NHNN, giá vàng tăng không phải do các ngân hàng mua vàng để tất toán tài khoản như theo quy định của Thông tư 22. Việc ban hành Thông tư 22 là cần thiết bởi nhiều năm nay, hoạt động tín dụng vàng không đem lại hiệu quả, khi có tới 50% trong số vàng huy động được đem vào đầu tư ở các lĩnh vực phi sản xuất, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Và khi giá vàng thế giới biến động thất thường, trong điều kiện các công cụ bảo hiểm, phái sinh đối với vàng chưa phát triển, có thể dẫn đến rủi ro không thể lường hết đối với ngân hàng.
 
Thống đốc cũng cho biết, hiện trạng thái ngoại tệ của NHNN có giảm đi một chút nhưng hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra bình thường. Dự kiến từ nay đến cuối năm, nguồn ngoại tệ sẽ dồi dào hơn. NHNN sẵn sàng cung ứng kịp thời lượng ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, vừa để họ bán cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vàng, vừa cung ứng kịp thời cho các nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên vẫn là nhập khẩu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, nhu cầu thanh toán và kiên quyết không cấp ngoại tệ cho những nhu cầu nhập khẩu hàng hóa xa xỉ không nằm trong danh mục hàng hóa nhập khẩu thiết yếu do Bộ Công Thương công bố.
 
Theo đánh giá từ một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, thông tin NHNN cho nhập khẩu vàng với số lượng phù hợp chỉ làm cho giá vàng ngừng tăng chứ chưa chắc đã giảm. Nguyên nhân là do các đại lý bán vàng nhanh chân giảm giá bán để tiêu thụ hết lượng vàng đã nhập về với giá cao trước đó.
 
“Giá vàng lên cơn sốt trong sáng 9/11 có lỗi một phần từ NHNN. Chúng tôi đã làm đơn xin cấp quota nhập khẩu nhưng không thấy NHNN động tĩnh gì, USD cũng được NHNN bán ra rất nhỏ giọt. Thế rồi giá vàng vọt lên 3,82 triệu đồng/chỉ, NHNN công bố cấp quota với số lượng phù hợp để bình ổn thị trường. Vì thế, giá vàng tăng đi tăng lại là do mất lòng tin…”, đại diện một doanh nghiệp vàng chia sẻ.
 
An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm