Quốc hội nên có Nghị Quyết về chuyển đổi DNNN

(Dân trí) - Về vấn đề chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang công ty cổ phẩn, công ty TNHH, nhiều đại biểu đề nghị không nên đưa vào luật vì để đẩy nhanh tiến độ này thì Chính phủ và các ngành hữu quan, chỉ cần tập trung hơn nữa, bởi vậy Quốc hội nên có Nghị quyết là sau 3 hay 4 năm phải hoàn thành thì nó phù hợp hơn.

Theo Dự án Luật Doanh nghiệp quy định: Trong thời hạn 4 năm kể từ khi luật Doanh nghiệp có hiệu lực, các công ty nhà nước phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty Cổ phần, nhiều ý kiến cho rằng việc này không đơn giản, cần nhiều thời gian và nó là quá trình có rất nhiều khó khăn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Khanh - Tỉnh Đồng Nai đề nghị: “Không nên quy định nguyên tắc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH và công ty cổ phần. Việc quy định thời hạn chuyển đổi công ty nhà nước vào luật này cũng không phù hợp. Chúng ta không biết có cái gì chắc chắn 3 năm, 4 năm hay 5 năm để hoàn thành quá trình này.

 

Và Bà cảnh báo, khi tiếp xúc cử tri cũng như ý kiến của nhân dân rất bất bình về tiêu cực, tham nhũng, làm ăn không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Đã có nhiều hình thức rút ruột vốn tài sản của Nhà nước từ các Doanh nghiệp nhà nước, như chạy dự án, đấu thầu khép kín, thành lập và hoạt động của các công ty gia đình, làm thất thoát và thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, làm chậm đà phát triển kinh tế của đất nước.

 

Do vậy, với các công ty gia đình chủ yếu hoạt động trục lợi ở các doanh nghiệp nhà nước, biến lợi thế, vốn, tài sản, cơ hội kinh doanh, thông tin của Doanh nghiệp thành lợi thế của các công ty gia đình, của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Đây là hình thức rút ruột Nhà nước, thực là một hình thức rút ruột tài sản Nhà nước một cách kinh khủng, nhân dân và cử tri cho rằng, vấn đề tiêu cực có thể hạn chế, cần có một cơ chế giám sát, cơ chế quản lý tốt vốn tài sản Nhà nước tại Doanh nghiệp.

 

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng - Tỉnh Thừa Thiên - Huế bức xúc về hiện tượng đối xử bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Để có sân chơi thực sự, bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp thì vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước giữ một vị trí quyết định. Sự chuyển đổi này dĩ nhiên là khó khăn, nhưng không nên vin vào khó khăn mà cứ để ngỏ mãi một câu hỏi không lẽ doanh nghiệp nhà nước đứng ngoài sân chơi chung.

 

Công ty nhà nước không chỉ sắp xếp, chuyển đổi và đổi mới doanh nghiệp không chỉ là chuyển sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, mà chuyển đổi sắp xếp doanh nghiệp có thể là bán, khoán, cho thuê, phá sản, giải thể doanh nghiệp bởi vì có những doanh nghiệp nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp thì chưa chắc đã đủ điều kiện để cổ phần hoá đại biểu Lê Văn Đông - Tỉnh Phú Yên khẳng định như vậy.

 

Nhiều đại biểu đề nghị việc chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần và công ty TNHH không nên quy định thành nguyên tắc không thuộc nội dung điều chỉnh của luật và chỉ có giá trị trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 4 năm, thời gian quá ngắn. Bởi vậy nên đưa quy định và thể hiện bằng Nghị quyết của Quốc hội thì phù hợp.

 

Nếu là cổ phần thì không nên tách công ty mẹ, công ty con

 

Đại biểu Trương Văn Hiền - tỉnh Nghệ An cho rằng: Nếu đã là cổ phần thì không nên tách công ty mẹ, công ty con. Thực tế trong công ty mẹ, công ty con xảy ra 2 vấn đề: Một, trốn điều tiết trong lợi nhuận. Hai là trốn lậu, cùng đồng vốn đó nhưng sẽ luân chuyển mẹ sang con, con sang mẹ, đổ bể ra thì mới giải quyết được.

 

Như vậy không thể điều tiết được tài chính của công ty mẹ, công ty con để chia xẻ rủi ro được. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đã là kinh doanh, đã là hạch toán rồi thì không nên mẹ với con, có thể là mẹ, con, con bú mẹ, nhưng đến khi là mẹ bú con.

 

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hiền, đại biểu Nguyễn Hữu Đồng - Tỉnh Nam Định cảnh báo: Nếu là công ty mẹ - công ty con, có khi công ty mẹ hưởng thụ nhờ công ty con.

Nhiều đại biểu tỏ ý không đồng tình với tên gọi công ty ''mẹ - con''. Đại biểu Hoàng Văn Nghiên Hà Nội cho rằng: ''Công ty mẹ hay công ty con cũng đều là pháp nhân, ra bên ngoài bình đẳng như nhau. Gọi là công ty mẹ, công ty con, nhưng nếu mẹ hành hạ con thì làm sao?

 

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ để có các điều khoản nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng mối quan hệ giữa các công ty trong nhóm công ty nhằm thu lợi bất chính, làm vẩn đục môi trường kinh doanh. Ví dụ, tạo quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu, hay việc chuyển lãi thông qua những hợp đồng cung ứng vật tư, nguyên liệu hay gia công bán thành phẩm.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh