1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quảng Nam:

"Quế Trà Mi"-Thương hiệu "vang bóng một thời" của Quảng Nam bế tắc trong tiêu thụ

(Dân trí) - Đặc sản bao đời nay của vùng đất Trà My là cây quế. Cây quế gắn với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh, kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Trà My. Nhưng cách đây 5 năm, người trồng quế lao đao vì sản phẩm làm ra bán không được.

Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua, huyện Nam Trà My, Sở NN-PTNT cùng Hiệp hội quế Trà My đã cùng ngồi lại bàn giải pháp để vực dậy thương hiệu “quế Trà My” nổi tiếng một thời.

Các chuyên gia thử quế khi tham gia buổi hội thảo về quế tại Nam Trà My
Các chuyên gia thử quế khi tham gia buổi hội thảo về quế tại Nam Trà My

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My – chia sẻ: “Đặc sản bao đời nay của vùng đất Trà My là cây quế. Cây quế gắn với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh, kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Trà My. Từ nhiều năm nay, ở Nam Trà My, các gia đình người Cadong, Xê đăng, Bhnoong… đã tận dụng tối đa diện tích đất trong vườn nhà, trên rẫy, bờ ao, ven chân đồi... để trồng quế”.

Với lợi thế thích nghi tốt, ít tốn công chăm sóc và không tốn kinh phí bỏ ra để mua phân bón, người dân chỉ cần đầu tư công sức trong thời gian ban đầu khi mới trồng như đào hố, ươm cây giống, làm cỏ… nên được người dân trồng rất nhiều.

Những năm 80-90 của thế kỷ 20, cây quế Trà My có giá trị kinh tế rất cao, được biết với cái tên “Cao Sơn ngọc Quế”, sản phẩm từ cây quế đã được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, tạo nguồn thu chủ yếu cho người dân vùng trồng quế.

Người trồng quế thu hoạch vỏ quế tươi
Người trồng quế thu hoạch vỏ quế tươi

Nhiều hộ ở các xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập… có của ăn, của để, sửa chữa nhà cửa, mua cồng chiêng, ché rượu cần cũng từ quế… Cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Trà My nói chung. Đặc biệt, trong nhân dân thời đó đã nói “Cây quế là cây vàng” (giá trị mỗi cây quế tương đương một cây vàng -PV).

Ông Mẫn cho biết, hơn 5 năm về trước, người dân trồng quế lại lao đao do không bán được sản phẩm từ cây quế, có bán thì giá quá thấp không bù vào chi phí trồng, chăm sóc. Song, những năm gần đây, giá bán các sản phẩm từ quế đã cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của cây quế Trà My.

Ông Đinh Mướk - Chủ tịch Hiệp hội quế Trà My – cho hay, để giữ nguồn gen quý từ quế Trà My, từ khi tái lập huyện đến nay, địa phương đưa chỉ tiêu phát triển cây quế vào Nghị quyết nhiệm vụ nhiệm kỳ; HĐND tỉnh Quảng Nam cũng có Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát triển quế Trà My.

Đặc biệt, tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ Trà My (Quảng Nam). Đây là những quyết sách lớn tạo ra cơ hội mới cho việc phát triển cây quế trên địa bàn huyện.

Cũng theo ông Đinh Mướk, hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My có 10/10 xã trồng quế, sản lượng, diện tích quế không ngừng tăng lên qua các năm, diện tích trồng quế hiện đạt hơn 2.800ha, sản lượng năm 2017 đạt khoảng 350 tấn. Việc thu mua sản phẩm quế ngày càng được cải thiện, hầu hết các sản phẩm quế thu hoạch đều được các cơ sở chế biến, tư thương nhỏ thu mua với giá cả hợp lý, nhờ vậy người trồng quế có thể sống được từ cây quế.

Quế được phơi khô chờ thương lái đến thu mua
Quế được phơi khô chờ thương lái đến thu mua

Tuy nhiên, ông Mướk cho biết, hạn chế hiện nay là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn chưa được thực hiện tốt. Hầu như chưa có đơn vị thu mua, chế biến nào tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, người nông dân chỉ biết bán các sản phẩm thô với giá cả bấp bênh do những người kinh doanh nhỏ lẻ quyết định.

Do đó, Hiệp hội quế Trà My đề ra nhiều giải pháp để phát triển cây quế, trong đó có việc liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với người trồng quế và thu mua, tiêu thụ sản phẩm quế. Bên cạnh đó là kết hợp giữa 6 “nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng) và nhà trồng quế (người dân).

Ông Võ Hồng Sơn (một trong những người trồng quế ở xã Trà Mai) cho hay, ngoài việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định của tỉnh, các cấp, các ngành cần thúc đẩy nhanh để tạo điều kiện cho người trồng quế được vay vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây quế. Đặc biệt, nhà nước nên có chính sách giữ giá ổn định cho cây quế cũng như thu mua, chế biến các sản phẩm từ cây quế, qua đó giúp nông dân dễ sản xuất, dễ tiêu thụ sản phẩm mình làm ra.

Còn ông Phan Quốc Cường (Chủ tịch xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) thì cho rằng, nguyện vọng của người dân trồng quế là cần có hạ tầng giao thông tốt hơn để giảm chi phí vận chuyển; tạo lập các cơ sở thu mua nguyên liệu quế ổn định, giúp người dân an tâm chuyên canh; nghiên cứu ứng dụng các loại máy móc sơ chế, chế biến và chuyển giao công nghệ cho người dân để nâng cao giá trị sản phẩm; có cơ chế hợp tác ổn định hơn giữa doanh nghiệp và người dân, tận thu, thu mua các sản phẩm từ quế như cành, lá, thân...

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam – cho rằng, để đảm bảo cho cây quế Trà My phát triển bền vững, huyện cần lưu ý phát triển cây quế đúng quy hoạch, không nên vội vàng trồng ào ạt dẫn đến kém chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu cây quế đang từng bước được khôi phục lại.

Ông Hưng cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh để phát triển quế Trà My. Trên cơ sở các chính sách này, ông Hưng hy vọng thương hiệu quế Trà My sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và người trồng quế sẽ sống được với sản phẩm của mình.

C.Bính