1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Quảng Trị chuyển đổi sinh kế cho 16 xã vùng biển ảnh hưởng Formosa

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau 3 tháng xảy ra sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Trị đã đề ra kế hoạch chuyển đổi sinh kế cho 16 xã vùng biển. Qua 18 tháng, đánh giá lại các mô hình chuyển đổi đã góp phần ổn định đời sống của người dân vùng biển.

Ngày 24/11, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam tổ chức “Hội thảo báo cáo kết quả đánh giá tác động sinh kế 16 xã, thị trấn vùng biển tỉnh Quảng Trị”.

Sự cố môi trường biển tháng 4/2016 đã gây nên thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân 4 tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Tại Quảng Trị có 14 xã và 2 thị trấn vùng biển, với hơn 15.000 hộ dân được xác định bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường; tổng số lao động bị ảnh hưởng khoảng 32.668 người.

Mô hình trồng dứa trên cát được áp dụng tại một số địa phương ven biển
Mô hình trồng dứa trên cát được áp dụng tại một số địa phương ven biển

Việc khôi phục kinh tế cũng như chuyển đổi sinh kế phù hợp theo hướng bền vững đối với người dân các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Sau 18 tháng kể từ ngày sự cố, nhóm nghề đơn giản ven bờ với hơn 7.000 lao động được đánh giá phục hồi khoảng 75%; nhóm nghề buôn bán nhỏ với 5.800 lao động nghề buôn bán nhỏ phục hồi khoảng 70%; và nhóm nghề du lịch ven biển với hơn 2.100 lao động phục hồi khoảng 70%...

Trước những khó khăn của người dân từ sau sự cố Formosa, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Trị đã huy động 9,1 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ xây dựng 77 mô hình chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cho 1.145 hộ gia đình tại địa bàn 16 xã/thị trấn. Qua thực hiện, một số mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Sau sự cố môi trường, bà con ngư dân đã sớm thay đổi phương thức sản xuất, kết hợp giữa đánh bắt và trồng trọt
Sau sự cố môi trường, bà con ngư dân đã sớm thay đổi phương thức sản xuất, kết hợp giữa đánh bắt và trồng trọt

Đặc biệt, sau khi nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường, bà con ngư dân đã sử dụng một phần kinh phí đầu tư mua ngư, lưới cụ để phát triển sản xuất, một phần trang trải cuộc sống. Qua một thời gian tích cực vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi sinh kế, Sở NN-PTNT cũng đã bố trí cán bộ tăng cường giúp chính quyền 16 xã ven biển và nhân dân các địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất phù hợp.

Bước đầu, các địa phương ven biển đã thực hiện có hiệu quả một số mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa tính toán đến các điều kiện phân tích thổ nhưỡng đất đai, khí hậu, chuỗi giá trị sản phẩm.... nên một số loại cây trồng như ném, sả… tại một số địa phương không phát triển tốt. Bên cạnh đó, thị trường nông nghiệp, cụ thể là giá cả các loại vật nuôi giảm mạnh gây khó khăn rất lớn đến người dân.

Mô hình chăn nuôi được hình thành sau sự cố môi trường tại huyện Gio Linh
Mô hình chăn nuôi được hình thành sau sự cố môi trường tại huyện Gio Linh

Nhìn nhận những yếu tố trên, tại hội thảo các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân như: Hỗ trợ chuyển đổi khai thác tầng đáy sang tầng nổi phù hợp với thực trạng nguồn lợi thủy sản; Ứng dụng công nghệ đánh bắt cho nhóm khai thác gần bờ; Tăng cường đào tạo nghề đánh bắt xa bờ; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất chế biến; Ứng dụng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển và trên bờ tại những nơi phù hợp; xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp tại chỗ bao gồm các ngành hàng chăn nuôi và trồng trọt trong đó chú trọng tạo chuỗi cung ứng bền vững… Qua đó, tạo sự bền vững ổn định lâu dài thúc đẩy và hỗ trợ cuộc sống người dân phát triển.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau 3 tháng xảy ra sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Trị đã đề ra kế hoạch chuyển đổi sinh kế cho 16 xã vùng biển. Qua 18 tháng, đánh giá lại các mô hình chuyển đổi đã góp phần ổn định đời sống của người dân vùng biển.

Hội thảo này sẽ là cơ hội để tỉnh Quảng Trị nhìn nhận lại 1 lần nữa các kết quả của việc chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển sau sự cố môi trường do Fomosa gây ra. Qua đó, nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế còn tồn tại để tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng các mô hình sinh kế với mong muốn làm thế nào đó để người dân vùng biển có thể khai thác vùng cát ven biển để tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển bền vững trong tương lai.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động thêm các nguồn lực từ Trung ương cũng như các tổ chức phi chính phủ để nhân rộng các mô hình một cách bền vững hơn; đồng thời tổ chức để người dân có thể mở rộng sản xuất ở vùng cát.

Đ. Đức