1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Nam: Khấm khá nhờ ươm giống cây rừng ở biển

(Dân trí) - Nghề ươm trồng giống cây lâm nghiệp ở vùng biển Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nhiều hộ dân cũng dần khấm khá nhờ loại cây này.

Những năm gần đây, việc ươm trồng giống cây lâm nghiệp đã rộ lên ở vùng đất cát ven biển Duy Hải. Chủ yếu là cây bạc hà, phi lao. Sau nhiều biến chuyển của thời cuộc, nhu cầu thay đổi của thị trường cây keo lá tràm dần được thay thế và trở thành tiềm lực kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Cách đây vài năm, nhận thấy nhu cầu sử dụng keo lá tràm để trồng rừng kinh tế ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các vùng rừng núi rất lớn. Từ đó, người dân bắt đầu học hỏi và xây dựng cơ sở ươm giống bán ra thị trường với hy vọng tươi sáng hơn cho tương lai.

Nhiều hộ khấm khá nhờ trồng ươm cây keo lá tràm
Nhiều hộ khấm khá nhờ trồng ươm cây keo lá tràm

Bà Nguyễn Thị Phượng (thôn 2, xã Duy Hải, Duy Xuyên) cho biết: “Gia đình tôi trồng loại keo lá tràm này được hơn 4 năm nay, thấy người đi trước làm rồi mình học hỏi làm theo. Mỗi năm trồng hơn 500.000 cây giống, sau khi trừ các khoản chi phí, nhân công thì cũng lãi hơn 50 triệu đồng. Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, nhưng nhờ nó mà tôi có thể lo cho con ăn học, đời sống gia đình cũng đỡ chật vật hơn trước”.

Vườn cây giống xanh ngát
Vườn cây giống xanh ngát

Với giá thành 300 đồng/cây giống, tùy theo việc trồng nhiều hay ít mỗi hộ ở đây thu nhập ít nhất cũng được 50 triệu đồng/năm, nhiều thì hơn 100 triệu đồng/năm. Cây giống được người dân ở Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, các huyện miền núi Quảng Ngãi… thu mua.

Hiện nay trên toàn xã có hơn 20 hộ ươm keo lá tràm, tập trung chủ yếu trên địa bàn các thôn An Lương, Tây Sơn Tây, Thuận Trì, Tây Sơn Đông. Nhiều hộ làm ăn khấm khá cũng tậu được xe tải nhỏ để chuyên chở cây giống, điển hình như hộ ông Lê Văn Thái, Trần Văn Lợi và Phùng Văn Hùng.

Cát được sử dụng trong bầu ươm là đất cát đỏ vì giữ chặt bầu, tỉ lệ giống sống cao
Cát được sử dụng trong bầu ươm là đất cát đỏ vì giữ chặt bầu, tỉ lệ giống sống cao

Quy trình ươm giống như sau: Sau khi mua giống về xử lý, tiếp đến là giai đoạn làm bầu và ươm mầm. Giai đoạn từ 2-3 tháng là có thể cho thu hoạch cây con. Loại đất được chọn ươm phải là đất đỏ, được mua từ các xã Duy Trung và Duy Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam).

Niềm vui từ hướng phát triển mới
Niềm vui từ hướng phát triển mới

Ông Trần Văn Lợi cho biết: “Sở dĩ chọn đất đỏ vì khi làm bầu ươm sẽ chắc chắn hơn, lấy cây giống cũng không sợ vỡ bầu, tỉ lệ cây giống đạt 100%. Mỗi năm gia đình tôi trồng từ 1 triệu đến 2 triệu cây giống, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Với số lượng người trồng hiện nay tại Duy Hải là ổn định cho đầu ra, nhưng nếu số lượng người trồng nhiều nữa thì cung sẽ quá cầu, lúc đó đầu ra không biết tìm đâu”.

Để có nước tưới ổn định và thường xuyên người dân sử dụng giếng khoan chủ động nguồn nước. Với thời tiết oi bức keo cần được tưới từ 3-4 lần/ngày, trời mát mẻ, có mưa thì chỉ cần 1 lần/ngày.

Khấm khá hơn từ nghề ươm giống cây lâm nghiệp, ông Phùng Văn Hùng (thôn An Lương, Duy Hải) phấn khởi: “Từ ngày mở cơ sở sản xuất ươm keo lá tràm, cuộc sống gia đình cũng đỡ hơn trước, đời sống kinh tế khấm khá hơn. Mỗi năm gia đình trồng hơn 800.000 cây giống thu về hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ đi các khoản chi phí”.

Ông Võ Quốc Hai (phó Ban nông nghiệp xã Duy Hải, Duy Xuyên) nhận xét: “Trong vòng vài năm trở lại đây, nghề ươm giống keo lá tràm phát triển mạnh và trở thành hướng đi mới cho người dân vùng cát ven biển. Qua thống kê cho thấy, mỗi năm các cơ sở sản xuất hơn 12 triệu cây keo giống, thu về lãi ròng hơn 3 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương”.

N.Linh-C.Bính