Quảng Nam cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2030
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế địa phương để phấn đấu đến năm 2030 đạt mức GRDP bình quân 9.100 USD/người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 10,5%/năm.
Ngày 25/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị “Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030”.
Quảng Nam có vị trí chiến lược và quan trọng, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc Nam và đường biển; nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là điểm kết nối ngắn nhất từ các tỉnh Nam Lào, đông bắc Thái Lan, Campuchia đến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và biển Đông Việt Nam, thông thương quốc tế thông qua cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đang sở hữu 2 Di sản Văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, có bờ biển dài 125km, nhiều bãi tắm đẹp… mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước.
10 năm trước Quảng Nam vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng đến nay Quảng Nam đã hình thành một trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước, là một trong số ít các địa phương từ một tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách thường xuyên chuyển thành tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Lê Trí Thanh - cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trên thế giới có nhiều thay đổi rất nhanh chóng và Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, việc xác định lại cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang có hướng tích cực trong sự phát triển của Việt Nam; những vấn đề đặt ra đối với tỉnh Quảng Nam là vô cùng cấp thiết, nhất là khi tỉnh Quảng Nam đang chuẩn bị các nội dung để phục vụ cho Đại hội lần thứ 22 của tỉnh.
“Quảng Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập, mạnh mẽ, sâu rộng. Đặc biệt là kỷ nguyên của công nghiệp 4.0, của nền kinh tế số, xã hội số, tác động rất nhanh, toàn diện đến phát triển của các ngành, mọi lĩnh vực”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, Quảng Nam cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương, chủ động tham gia kèm theo những đề xuất, định hướng phát triển đối với Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung gắn với liên kết vùng và quy hoạch phát triển tích hợp, mang tính hiện đại của vùng, biển lợi thế “tĩnh” thành lợi thế “động”.
TS. Trần Du Lịch cũng cho hay, Quảng Nam đã có sự lựa chọn đúng đắn, tập trung nguồn lực phát triển vùng Đông gắn với 6 nhóm ngành: Phát triển dịch vụ du lịch gắn với việc sắp xếp dân cư, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành may mặc và ô tô, công nghiệp cơ khí ô tô, phát triển điện khí, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sân bay Chu Lai.
TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, công nghiệp là trụ cột kinh tế của tỉnh Quảng Nam, nếu không tận dụng cơ hội đổi mới khoa học công nghệ sẽ làm nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam tụt hậu nhanh chóng, với mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 đạt mức GRDP bình quân 9.100 USD/người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 10,5%/năm.
“Là một địa phương có tiềm năng lớn về rừng, Quảng Nam làm sao thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và người dân triển khai các dự án trồng rừng gỗ lớn, tiếp cận chứng chỉ rừng FSC, tập trung được các nhà máy chế biến gỗ từ rừng trồng thành trung tâm chế biến gỗ, để không còn tình trạng các cảng biển ở miền Trung đi xuất khẩu dăm gỗ như hiện nay”, TS. Trần Du Lịch phát biểu.
Về lĩnh vực thu hút đầu tư, các đại biểu cho rằng, tỉnh Quảng Nam cần xây dựng các “con sếu đầu đàn”; ưu tiên 3 lĩnh vực đột phá gồm đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đột phá về khoa học - công nghệ.
Để thực hiện được mục tiêu này, Quảng Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong đó chú ý phát triển ngành dịch vụ để trở thành ngành kinh tế quan trọng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận như chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Nam và một số vấn đề đặt ra về phát triển bền vững; một số khuyến nghị đối với tỉnh Quảng Nam trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2030; định hướng phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn gắn với công nghệ cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030; tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn đến năm 2030…
Công Bính