Quan tham Trung Quốc đi tù vì "sưu tập" vàng miếng

Tòa án tại Trung Quốc đã kết án một cựu giám đốc điều hành Ngân hàng Nhà nước án chung thân, vì những cáo buộc nhận hối lộ lên đến hàng triệu USD.

Yang Kun khi còn tại chức
Yang Kun khi còn tại chức
 
Theo thông báo mới nhất của Tòa án nhân dân tỉnh Giang Tô hôm 4.2, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Yang Kun đã bị tuyên án chung thân về tội nhận hối lộ với tổng giá trị lên tới 30,8 triệu nhân dân tệ (khoảng 5 triệu USD).

Đồng thời, vị quan chức “yêu tác phẩm nghệ thuật và vàng miếng” cũng bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân và tước bỏ các quyền hạn của mình. Tuy nhiên, các tuyên bố không nói rõ thời gian thi hành án đối với Yang.

Trong thời gian lãnh đạo tại ABC với vai trò là phó chủ tịch, Yang đã sử dụng quyền hạn của mình để ký duyệt các dự án cho vay với nhiều doanh nghiệp, từ đó nhận được các khoản hối lộ từ nhiều công ty khác nhau.

Các mặt hàng mà Yang yêu thích khi được doanh nghiệp “đút lót”, chủ yếu là vàng miếng và đồ nội thất bằng gỗ hồng mộc hay các bức tranh của nghệ sĩ nổi tiếng, trong một số trường hợp thì USD và dollar Hồng Kông cũng không ngoại lệ.

Yang bị khai trừ khỏi Đảng và cách chức đầu năm 2013, sau đó được xét xử tại Tòa án nhân dân Nam Kinh vào tháng 6.2014.

Nhiều tờ báo cho rằng, ông bị các cơ quan điều tra của chính quyền Trung Quốc chú ý, sau khi giám đốc tổ chức tài chính tư nhân Minsheng Banking, Mao Xiaofeng từ chức vì bị nghi ngờ liên quan đến tham nhũng.   

Minsheng, trước đó là một tổ chức cho vay tư nhân lớn của Trung Quốc, được thành lập năm 1996 bởi 59 nhà đầu tư, và có vốn hóa thị trường khoảng 50 tỉ USD. Lãnh đạo tổ chức này cho biết, Mao ra đi vì các “lý do cá nhân”, nhưng nhiều tờ báo lại nhận định ngược lại khi Mao tỏ ra khá lo sợ từ lúc chiến dịch “đả hổ đập ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình được tiến hành.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng cường các biện pháp trấn áp tham nhũng trong nội bộ bộ chính quyền nước này từ năm 2012. Chiến dịch “đả hổ đập ruồi” của ông được các phương tiện truyền thông mô tả là khắc nghiệt nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Nhiều quan chức cấp cao đã sa lưới pháp luật sau khi có các hành vi nhận hối lộ trước đó, trong đó phải kể đến Tổng Giám đốc Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bắc Kinh, Lu Haijun bị bắt giữ vào ngày 3.2.2014 và cựu chủ tịch Ngân hàng Guangfa, Li Rouhong cũng bị giam giữ tháng 9.2014 với lý do tham nhũng.
 
Theo Hàn Giang
Một Thế giới

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”