Quản lý thị trường vàng hơn 1 năm qua: Những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế
Quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã có những tác động tích cực đối với kinh tế vĩ mô và đối với lợi ích của đa số người dân có đầu tư vàng.
Sau hơn một năm thực hiện, có thể khẳng định rằng, chính sách và mục tiêu chính sách của Nghị định 24/2012/NĐ-CP là một bước tiến lớn so với trước đây, đã góp phần đem lại trật tự cho thị trường vàng, loại bỏ rủi ro lớn về giá vàng trong từng ngân hàng thương mại (NHTM) và nguy cơ mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt thiệt hại về lợi ích kinh tế cho người dân đầu tư vàng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến thị trường vàng thế giới và trong nước sôi động và giá vàng biến động khôn lường; đồng thời tại Việt Nam, có nhiều quan điểm khác nhau, nhiều tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia về quản lý thị trường vàng. Có lẽ, bản lĩnh, tầm nhìn của những người xây dựng, thực thi chính sách về quản lý thị trường vàng được thử thách hơn bất kỳ khi nào!
Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho vai trò của vàng là công cụ cất trữ tài sản trở nên đặc biệt hơn. Nhưng hiện tượng về “bong bóng giá vàng” cũng đã được một số chuyên gia quốc tế cảnh báo! Ngày nay, vàng không còn có chức năng thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, tiền tệ thế giới. Mặc dù vậy, vai trò tiền tệ của vàng không hoàn toàn mất đi, đặc biệt là chức năng cất trữ giá trị và tiền tệ quốc tế.
Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người dân có nhu cầu sở hữu, nắm giữ vàng do tập quán, thói quen sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ giá trị và nhu cầu sử dụng vàng làm đồ trang sức. Riêng nhu cầu sử dụng vàng làm phương tiện cất giữ tài sản của người dân phụ thuộc chủ yếu vào những lợi ích họ thu được so với các phương tiện cất trữ tài sản hoặc đầu tư khác, và do đó, phụ thuộc lớn vào sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.
Kinh doanh vàng trên thế giới có nhiều hình thức: Kinh doanh mua/ bán vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh vàng miếng; kinh doanh vàng trên Sở giao dịch hàng hóa chính thức; xuất/ nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ hoặc vàng nguyên liệu dưới dạng hạt, thỏi, miếng..; kinh doanh vàng vật chất; kinh doanh vàng trên tài khoản; mua, bán vàng giao ngay; mua, bán các công cụ tài chính phái sinh về vàng…
Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng cũng rất khác nhau ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia như: đồng tiền nội tệ là đồng tiền chuyển đổi hoặc không chuyển đổi; giá trị đồng nội tệ ổn định hoặc không ổn định; là quốc gia có vàng chủ yếu từ nguồn sản xuất, khai thác vàng trong nước hoặc từ nhập khẩu; dự trữ ngoại hối của quốc gia cao hoặc thấp…. Trên cơ sở đó, tùy điều kiện cụ thể từng nước, tùy từng giai đoạn phát triển, nhà nước có quy định kiểm soát chặt chẽ hoặc nới lỏng đối với hoạt động kinh doanh vàng.
Thị trường vàng tại VN có nhiều chuyển biến tích cực sau Nghị định 24
Tại Việt Nam, quản lý nhà nước đối với thị trường vàng thời gian qua đã có những đột biến với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 12/2012/TT-NHNN, Chỉ thị số 05/CT-NHNN, công văn số 3854/NHNN-QLNH ngày 25/06/2012 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư số 12 vào ngày 25/11/2012; đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) vào ngày 03/4/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012. Mục tiêu cơ chế, chính sách của Chính phủ và của NHNN là tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, đảm bảo khả năng điều tiết, nâng cao vai trò quản lý thị trường của Nhà nước ở mức cao nhất, thông qua việc giao NHNN cấp phép đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; tổ chức sản xuất vàng miếng và xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Khuôn khổ pháp lý mới đối với quản lý thị trường vàng sau khi Nghị định 24 được ban hành, kết hợp với các biện pháp cụ thể mà NHNN đã triển khai thực hiện, thị trường vàng trong nước có nhiều chuyển biến rất tích cực so với trước kia.
Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”, cũng như không kéo theo hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới; thị trường vàng miếng được minh bạch, quản lý chặt chẽ đến người mua, người bán cụ thể để chống đầu cơ, làm giá; định hướng chính sách không khuyến khích người dân đầu tư vào vàng, nhưng chính sách, cơ chế vẫn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được mua bán, tích trữ vàng.
Quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã có những tác động tích cực đối với kinh tế vĩ mô và đối với lợi ích của đa số người dân có đầu tư vàng. Về kinh tế vĩ mô, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng. Về lợi ích của người dân, đa số người dân cũng như đa số doanh nghiệp nói chung sẽ được hưởng lợi trên nhiều phương diện từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đa số người đầu tư vàng sẽ giảm bớt thiệt hại khi việc mua, bán vàng miếng được thuận tiện với nhiều tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Chênh lệch giữa giá bán và giá mua tại cùng thời điểm không quá lớn. Không còn tình trạng bị doanh nghiệp độc quyền về thương hiệu ép giá mua khi người dân bán vàng.
Do đặc thù riêng của sản xuất, kiểm định chất lượng các sản phẩm vàng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao nên trước đây, mặc dù có nhiều doanh nghiệp được sản xuất và kinh doanh vàng miếng và tất yếu mỗi doanh nghiệp phải bảo vệ độc quyền thương hiệu của mình, nhưng cạnh tranh giữa các thương hiệu vàng miếng khác nhau lại không đem lại lợi ích cho người dân. Cụ thể như người dân thiệt thòi khi phải chấp nhận chênh lệch giá mua - bán lớn, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh vàng tùy thích ấn định chênh lệch giữa giá mua, giá bán lớn, có thể đến hơn 2 triệu đồng/1 lượng, hoặc tùy thích việc mua lại vàng miếng thuộc thương hiệu của mình hay không trong khi người dân chỉ có thể bán ‘mất giá” khá nhiều vàng miếng của doanh nghiệp này tại một doanh nghiệp có thương hiệu vàng miếng khác.
Khi nhà nước chưa thể quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng từ khâu sản xuất đến lưu thông, kiểm định chất lượng vàng… để đảm bảo lợi ích của người dân thì sự tồn tại của nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau như trước đây sẽ chỉ gây thiệt hại cho người dân, rối loạn giá mà không đem lại sự vận hành minh bạch, lành mạnh của thị trường vàng. Điều này thực tiễn về diễn biến thị trường vàng đã được minh chứng rõ và cũng đã được nhiều chuyên gia khẳng định trước đây.
Hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới còn chênh lệch lớn do tâm lý ‘yêu thích vàng” của người dân còn quá mức và NHNN không thể lãng phí quá lớn nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia cho việc nhập khẩu nguyên liệu vàng để tạo nguồn cung cho thị trường vàng miếng trong nước...vv. Tuy nhiên, toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu được qua đấu thầu vàng miếng của NHNN được nộp cho NSNN, thay vì rơi vào túi một số ít những tổ chức, cá nhân kinh doanh, đầu cơ vàng miếng.
Tiếp tục nhập vàng nguyên liệu có làm cạn dự trữ ngoại hối?
Vàng miếng là vàng ‘có tính chất tiền tệ” với đặc điểm là có tính thanh khoản cao; chi phí để chuyển đổi ra tiền là rất thấp. Hơn nữa, ‘tính chất tiền tệ” của vàng miếng gần với ngoại tệ hơn là gần với VND. Do vậy, để góp phần thực thi chính sách tiền tệ có hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu, độc quyền sản xuất và quản lý chặt chẽ việc mua, bán vàng miếng là điều hợp lý, đã có nhiều tác động tích cực và có ít những tác động tiêu cực nhất trong điều kiện tiền tệ của thị trường Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Việc lo lắng về tiếp tục nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng, đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường có thể làm cạn dự trữ ngoại hối nhà nước chưa thật có cơ sở nếu phân tích toàn diện về thị trường tài chính. Mặc dù NHNN phải dùng nguồn ngoại tệ thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước để nhập khẩu vàng, nhưng do quản lý chặt chẽ được thị trường vàng miếng, thị trường ngoại hối..., NHNN thu mua được một quy mô lớn ngoại tệ từ thị trường tự do.
Giai đoạn trước đây, vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường. Khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức trên 400 nghìn đồng/lượng, trên thị trường thường xuất hiện tình trạng nhập khẩu vàng lậu. Để ổn định thị trường trong giai đoạn này, hàng năm NHNN phải cho phép nhập khẩu bình quân khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng (nhập lậu cũng khoảng 50-70 tấn). Toàn bộ lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng được lấy từ nền kinh tế mặc dù NHNN không sử dụng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng. Do vậy, nhập khẩu vàng trên quy mô lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ giá, CPI, sự ổn định kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường vàng; để giá vàng trong nước có thể gần sát với giá vàng thế giới, những biện pháp mới nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp lý của NĐ 24 có thể được NHNN xây dựng, thực thi. Ví dụ, NHNN nên thành lập doanh nghiệp đặc biệt, trực thuộc NHNN chuyên về kinh doanh vàng miếng, không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn; có giải pháp hợp lý để cung ứng nguồn vàng nguyên liệu thường xuyên cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức; thành lập màng lưới các cơ sở kiểm định chất lượng vàng tại các tỉnh, thành, thị trấn, huyện... .
Tóm lại, sau hơn một năm thực hiện, có thể khẳng định rằng, chính sách và mục tiêu chính sách của Nghị định 24 là một bước tiến lớn so với trước đây, đã góp phần đem lại trật tự cho thị trường vàng, loại bỏ rủi ro lớn về giá vàng trong từng NHTM và nguy cơ mất an toàn hệ thống các TCTD, đồng thời với góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt thiệt hại về lợi ích kinh tế cho người dân đầu tư vàng. Để đạt được mục tiêu lớn hơn, trọn vẹn hơn về quản lý thị trường vàng thì cần có thời gian để tác động của chính sách được lan tỏa và cần có những điều kiện nhất định - đó là có một nền kinh tế ổn định vững chắc, một cán cân thương mại lành mạnh, sự minh bạch, tuân thủ và kỷ luật cao của thị trường tài chính.
Thanh Hương