1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quản lý thị trường kiến nghị sử dụng xe có tín hiệu, được quyền ưu tiên

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường đã kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung lực lượng quản lý thị trường được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên.

Quản lý thị trường kiến nghị sử dụng xe có tín hiệu, được quyền ưu tiên - 1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại hội nghị tổng kết diễn ra hôm qua (13/1), ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết, tính đến hết năm 2019, Tổng cục này đã giảm được 235 đội QLTT và sẽ tiếp tục giảm 70 đội vào năm 2020, từng bước hoàn thành công tác bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục và hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong năm 2019, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng; trong đó, đã thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng QLTT nhấn mạnh, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra rất phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và quy mô ngày càng lớn.

Đề cập đến khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, công tác chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, phối hợp với các địa phương trong việc công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn, bất cập do nhân lực còn thiếu; cơ chế thanh tra, giám sát còn yếu, chưa được thực hiện thường xuyên; kinh phí hạn chế.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường đã kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung lực lượng quản lý thị trường được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các Cục QLTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục được triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ bản dở dang đã được Bộ Công Thương báo cáo tại Công văn số 4680/BCT-KH ngày 01/7/2019.

Đưa ra khỏi lực lượng những cán bộ vi phạm

Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương tổng hợp, làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định.

Đánh giá cao các hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại của lực lượng QLTT năm qua, nhưng Phó thủ tướng cũng cho biết vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục.

Cụ thể, Phó thủ tướng cho rằng, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu vẫn diễn ra trên diện, hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả có khắp trên mọi miền đất nước, còn tình trạng hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam, sau đó dán nhãn mác "Made in Viet Nam" rồi xuất khẩu ra nước ngoài, điều này ảnh hưởng đến thị trường và uy tín của hàng Việt Nam.

Ngoài ra vẫn còn tình trạng cán bộ công chức trong ngành quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến bị khởi tố, như trường hợp của nữ cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng vừa bị cơ quan Công an khởi tố và bắt giam vì liên quan đến hoạt động buôn lậu qua biên giới.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cho hay, vẫn còn tình trạng một số công chức trong ngành không phân biệt được đâu là tem thật và đâu là tem giả trong quá trình kiểm tra. Điều này do trình độ, kiến thức chuyên môn không chắc. Tuy nhiên Phó thủ tướng khẳng định, đây không chỉ là tồn tại của riêng lực lượng QLTT mà là tồn tại chung một số cán bộ, công chức hiện nay.

Theo báo cáo của QLTT, có thực trạng một số cơ sở, đối tượng kinh doanh, lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài, gắn nhãn mác Việt Nam, made in Vietnam đưa về trong nước tiêu thụ; một số nhập khẩu nguyên bản hàng hóa nước ngoài, đóng nhãn mác ghi xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản... để lừa dối, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm việc làm giả xuất xứ, thay đổi hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn công bố vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, loại hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm chức năng.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm