Quản lý giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi: Vướng đủ thứ sau một năm thực thi chính sách mới

(Dân trí) - Thiếu căn cứ để xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký; khó xác định chi phí cấu thành giá sản phẩm… là những điểm vướng mắc mà một số Sở Công Thương gặp phải trong gần một năm triển khai Nghị định về đăng ký kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.


Vẫn có những doanh nghiệp bán sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi không đúng quy định (Ảnh: Đầu tư)

Vẫn có những doanh nghiệp bán sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi không đúng quy định (Ảnh: Đầu tư)

Theo nguồn tin của Dân trí, trong công văn mới đây gửi Bộ Tài chính, một số Sở Công Thương phản ánh họ gặp vướng mắc trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và xác định tính hợp lý các hồ sơ, kê khai giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi của các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này.

Cụ thể, các văn bản pháp luật hiện nay chưa quy định doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, kê khai giá phải nộp các tài liệu làm cơ sở dự kiến giá sản phẩm nên cơ quan quản lý không có đủ cơ sở, căn cứ để xem xét tính phù hợp của mức giá sản phẩm.

"Bên cạnh đó, theo phương pháp định giá chi phí tại Thông tư số 25 năm 2014 của Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn các khoản mục chi phí cấu thành giá sản phẩm (nguyên vật liệu, nhân công, chi phí bán hàng, chi phí quản lý…) chứ không quy định định mức với từng khoản mục chi phí", ý kiến từ một số Sở Công Thương địa phương nêu.

Vì vậy, trong quá trình tiếp nhận rà soát biểu mẫu đăng ký, kê khai giá sản phẩm mới của doanh nghiệp, các Sở Công Thương phát hiện có sự chênh lệch khác nhau về tỷ lệ chi phí của các công ty. Chẳng hạn, chi phí bán hàng, có doanh nghiệp dự kiến chiếm 10-20% giá vốn nhập khẩu; tổng chi phí sản xuất có một số doanh nghiệp lại dự kiến tới 80%.

Chưa kể, một số công ty đưa ra thị trường các sản phẩm mới, cơ quan quản lý không có căn cứ hay số liệu chuẩn để đối chiếu chi phí của doanh nghiệp, nhất là các đơn vị dự kiến mức chi phí quá cao.

Ngoài ra, theo phản ánh của Sở Công Thương, hiện nay quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 25 thì doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị được dự kiến mức lợi nhuận hợp lý (nếu có) nhằm đảm bảo giá bán được xác định không vượt quá giá bán trên thị trường; được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc qyết toán gần nhất với thời điểm định giá của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, có thực tế là, hiện nay mỗi doanh nghiệp lại có mức dự kiến lợi nhuận khác nhau, trong khi trước đây, thông thường, lợi nhuận dự kiến vào khoảng 5-30% giá thành toàn bộ của sản phẩm. Điều này cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc xác định mức hợp lý để phê duyệt hồ sơ…

H.Anh

Quản lý giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi: Vướng đủ thứ sau một năm thực thi chính sách mới - 2