Quản lý, điều hành hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều bất cập
(Dân trí) - Bộ Công an chỉ ra hàng loạt hạn chế, bất cập về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra liên quan tới vụ sai phạm tại tổng công ty Sabeco. Ngoài việc kết luận sai phạm của các bị can, cơ quan điều tra còn chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp Nhà nước.
Mang nặng cơ chế hành chính “xin-cho”
Theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả điều tra vụ án cho thấy, mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng sở hữu Nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành nói chung còn có nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế điều hành, quản lý, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dẫn tới vướng mắc, lúng túng trong phối hợp giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với đầu mối là các vụ, cục chức năng không bảo đảm về nhân sự có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực quản lý hoạt động của các doanh nghiệp.
Từ đó, dẫn tới làm cho cơ quan Nhà nước không còn đủ nguồn lực làm tốt nhiệm vụ chính của mình là quản lý hành chính Nhà nước. Đồng thời, khó có thể theo dõi, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời những vi phạm của doanh nghiệp.
Mặt khác, mối quan hệ chỉ đạo, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương với bộ phận quản lý vốn Nhà nước còn mang nặng cơ chế hành chính "xin-cho", không bám sát thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh và bị chi phối bởi quyền lực của lãnh đạo. Bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại tổng công ty Sabeco mặc dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các chức danh quản trị, điều hành nhưng chịu sự chỉ đạo, chi phối của Bộ Công Thương. Trong khi, lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị chuyên môn không trực tiếp bám sát được diễn biến, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty Sabeco.
Sự bất hợp lý trên dẫn đến không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý Vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tạo khe hở cho một số cá nhân lợi dụng khai thác, chuyển dịch tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân, gây thất thoát đặc biệt lớn đến tài sản Nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, hoạt động bình thường của các cơ quan quản lý Nhà nước và thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh tế có liên quan, theo các hệ lụy phức tạp về kinh tế.
Xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp
Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận thấy để giải quyết được những hạn chế, yếu kém nêu trên cần thiết phải tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phòng chống "lợi ích nhóm" tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần thiết phải xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và dưới 100% vốn Nhà nước và các công ty con có vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Qua đó, để phòng ngừa việc lợi dụng các khe hở của pháp luật để các đối tượng thực hiện hành vi "thâu tóm", làm giá gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Ngày 21/6/2017, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công, ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các hành vi khác xâm phạm tài sản công, khai thác, sử dụng tài sản công một cách hợp lý, hiệu quả, chuẩn hóa công tác quản lý tài sản công.
Ngày 3/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mục tiêu giải quyết những vấn đề còn hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý vốn Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp, phòng chống "lợi ích nhóm", tham nhũng trong các hoạt động, các khâu của cổ phần hóa.
Xuân Duy