Quản lý bia vỉa hè: Đừng đặt ra luật rồi... bỏ đấy!

(Dân trí) - Bên cạnh tranh luận nảy lửa về cấm bán bia trên vỉa hè, bán bia cho phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi... thì các doanh nghiệp còn "kêu trời" với quy định dán tem, dự kiến sẽ "ngốn" hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua tín phiếu như tổ chức tín dụng
* Ông Đặng Thành Tâm bốc hơi một nửa tài sản
* Giá vàng lùi về sát mốc 36 triệu đồng/lượng
* Nhiều nghề kinh doanh nhạy cảm sẽ không bị cấm?

Tại cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quản lý, sản xuất kinh doanh bia diễn ra chiều 9/9, nhiều tranh luận nảy lửa đã diễn giữa các bên liên quan.

Ngay sau khi dự thảo được đăng tải lấy ý kiến góp ý, nhiều quy định trong dự thảo như "cấm bán bia ở bệnh viện, trường học, công sở, vỉa hè; cấm bán cho người có biểu hiện say bia, say rượu; cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu..." được cho là viển vông, không khả thi.
 
Thậm chí, có ý kiến còn đánh giá, những quy định này cho thấy sự bất lực của cơ quan chức năng khi "không quản được thì cấm".

Bia vỉa hè khó quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bia vỉa hè khó quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại cuộc họp, bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, vấn đề là phải quản lý, tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chứ không nên "đặt ra luật rồi bỏ đấy". 

"Bây giờ chẳng lẽ đi mua bia lại phải mang theo Chứng minh thư nhân dân?" - bà Nga chất vấn. "Khi cấm thì phải tính toán được khâu kiểm soát như thế nào, chứ không phải là không quản được thì cấm, mà đã cấm thì phải kiểm tra, giám sát được. Trong dự thảo có cả 1 chương về xử lý vi phạm như vậy thì phải đặt ra vấn đề giám sát" - bà Nga nói.

Trong khi đó, ông Lữ Bằng - Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cũng góp ý, cần có một đề án cụ thể hơn hướng tới tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, chứ không phải đề ra những điều luật "vô thưởng vô phạt" và không ai chịu trách nhiệm thi hành.

Đáp lại những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, quan điểm của Bộ "không phải là không quản lý được nên mới cấm". Đồng thời thêm rằng, cuộc họp này nhằm trao đổi lấy ý kiến, góp ý trên tinh thần xây dựng chứ không phải là chê trách nhau. Vị Thứ trưởng Công thương cho rằng, các đại biểu tham dự nên bàn bạc xem các quy định đưa ra nếu không phù hợp thì nên làm thế nào? Cần có hình thức ra sao?. 

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải thẳng thắn: "Nếu quy định mà chưa kiểm soát được thì nên tạm thời bỏ ra". Tuy nhiên, về phía tổ soạn thảo Nghị định, mặc dù bia là mặt hàng thực phẩm có tác dụng nhất định, nhưng nếu dùng quá liệu lượng có thể gây hại, thậm chí gây mất trật tự xã hội, do đó việc ra đời Nghị định - hạn chế việc uống bia không đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng đối tượng và uống quá liều lượng cho phép - là cần thiết.

Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) phân tích: Trước đây, quy định cấm bán tiết canh lòng lợn cũng từng gây tranh cãi. Bây giờ, việc đưa ra những quy định mới là để lấy ý kiến dư luận, sau đó sẽ có những giải pháp. Quy định cấm kinh doanh bia vỉa hè cũng vậy, có người đồng ý, có người không, song với quy định này thì ở một số nước khác vẫn cho bán.

Riêng quy định cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi thì theo ông Thưởng là khả thi, nhiều trường hợp vẫn nhận biết được. Ví dụ như học sinh mặc đồng phục vào mua là sẽ biết được. "Ở quán bar nước ngoài, nhìn tôi là người Việt Nam trông giống trẻ vị thành niên là bắt xuất trình hộ chiếu, và phải về lấy hộ chiếu" - ông Thưởng dẫn chứng.

Còn theo bà Trần Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, quy định cấm kinh doanh bia tại trường học, bệnh viện, trẻ em là đúng đắn và hợp lý, nhiều nước đã có quy định này. "Chẳng có nước nào người ta dùng vỉa hè để kinh doanh cả. Việc bày bán đủ các loại hàng hóa trên vỉa hè gây mất cảnh quan đô thị, mất an toàn giao thông và mất vệ sinh toàn thực phẩm", bà Lan nhận xét.

Về vấn đề này, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) -  đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định - nói, tại Việt Nam, việc kinh doanh trên vỉa hè còn bất cập, nhiều điểm bán mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Theo ông Dũng, không phải cứ thấy khó thực hiện mà chùn bước, bởi việc bán bia ở vỉa hè nhiều nước không cấm song họ cũng áp đặt người bán và người uống phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Ông Dũng cũng khẳng định, quy định cấm bán bia trên vỉa hè không phải là không khả thi mà là ở ý thức của người dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Hiện nay đã có quy định cấm nhiều mặt hàng khác bán trên vỉa hè chứ không phải chỉ cấm bia. 

Cũng tại cuộc họp này, các đại biểu đã bàn về quy định dán tem trên bao bì sản phẩm bia. Trong khi nhận được sự đồng tình của các cơ quan quản lý thì đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia lại "kêu trời" với quy định này. 

Theo tính toán của các đại diện đến từ Habeco, Sabeco, chi phí cho việc dán tem sẽ lên tới  hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, chưa kể phát sinh hàng loạt các chi phí cho nhân lực dán tem, máy móc, công nghệ nhận dạng tem thật, tem giả. Những chi phí này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải trả thêm tiền khi tiêu thụ sản phẩm bia.

Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”