Quan điểm của Chính phủ về tăng giá điện

Văn Hưng

(Dân trí) - Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 20 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. Tháng 1, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; xung đột tại một số khu vực còn kéo dài; nhiều nền kinh tế lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Kinh tế trong nước tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm, tạo thách thức và áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu năm 2024.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, phục vụ kịp thời để mọi người, mọi nhà vui xuân, đón Tết. Các cơ quan, ban ngành cần bám sát diễn biến tình hình cung cầu thị trường, giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả vào dịp Tết Nguyên đán.

Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân.

Quan điểm của Chính phủ về tăng giá điện - 1

Biểu giá điện sinh hoạt mới áp dụng từ tháng 11 (Ảnh: VH).

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá diễn ra cuối tháng 1, Bộ Công Thương kiến nghị tăng giá điện để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Trong năm 2023, EVN lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng dù được điều chỉnh tăng giá điện 2 lần. Tính chung 2022-2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).

Trong năm qua, giá điện tăng tới hai lần: một lần vào đầu tháng 5, một lần vào giữa tháng 11. Ở lần tăng đầu tiên, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 3%, từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Sang lần hai, giá điện tăng tiếp lên 2.006,79 đồng/kWh, tức tăng 4,5%.

Hiện tại, bậc 1 cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ hồi đầu năm là 1.678 đồng/kWh); bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.734 đồng/kWh); bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.014 đồng/kWh); bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.536 đồng/kWh); bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.834 đồng/kWh); bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.927 đồng/kWh).

Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất" và "trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành".