Quá nửa số doanh nghiệp “than” phải trả các chi phí không chính thức

(Dân trí) - Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.

Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI nhân dịp công bố PCI 2019.

Theo báo cáo PCI-2019, năm 2019, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70 - 80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền.

Quá nửa số doanh nghiệp “than” phải trả các chi phí không chính thức - 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI 

Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên.

Song, một số lĩnh vực còn chưa được như kỳ vọng của Chủ tịch VCCI. Trong đó, cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Có tới 59% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư...

“Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức”, ông Lộc khẳng định và chia sẻ thêm lý do khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại đó là, trong khi các tỉnh thành phố đứng ở cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực để vượt lên thì những địa phương ở top dẫn đầu - những ngôi sao cải cách - đã chưa có được những cải cách bứt phá nào đáng kể trong mấy năm qua.

Đáng chú ý theo ông Lộc, hành trình cải cách mới chỉ dừng lại ở những việc làm còn tương đối dễ dàng. Điều này cho thấy, một mặt, rất cần có thêm những động lực mới cho cải cách từ cơ sở. Mặt khác, cần nâng trần thể chế ở cấp trung ương.

Bên cạnh bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh, chủ đề của báo cáo PCI năm nay là “Tự động hoá và chuyển đối số trong doanh nghiệp – cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm ở nước ta”.

Theo báo cáo, mức độ tự động hoá hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán của chính nhóm tác giả. Cụ thể, 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua. Đặc biệt, có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới.

Ngay cả các doanh nghiệp tự nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.

Để đẩy mạnh được tự động hoá và chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần  phải UPSKILL – nâng cao kỹ năng của người lao động và thực sự coi giáo dục quốc gia là quốc sách hàng đầu. Trong đó, nhiệm vụ thực hiện 3 đột phá: cải cách thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng đã được khẳng định trong đường lối của Đảng chưa bao giờ trở nên thôi thúc như hiện nay.

Báo cáo PCI -2019 không đề cập tới dịch bệnh mà chỉ phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch Covid. Song hiện tại, thì tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo.

“Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và phải có trách nhiệm hơn”, Trưởng Ban chỉ đạo PCI cho hay.

Thế Hưng