Quá nửa doanh nghiệp xe máy sống lay lắt
Cách nay hơn 5 năm, hàng loạt cơ sở lắp ráp xe gắn máy ra đời và đến nay không ít trong số đó đã phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Đây là hậu quả của hoạt động đầu tư theo phong trào.
Bảy tháng đầu năm 2006, các doanh nghiệp lắp ráp xe gắn máy quốc doanh và tư nhân xuất xưởng được gần 376.000 sản phẩm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 1,5 lần so với mức tăng của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn vào số liệu thống kê trên, hẳn nhiều người sẽ cho rằng ngành công nghiệp xe máy trong nước đang khởi sắc trở lại, nhưng thực tế lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại, hàng làm ra nhưng không bán được.
Các doanh nghiệp trong nước đã chi ra không dưới 100 triệu đô la Mỹ để đầu tư cho các dây chuyền lắp ráp, mỗi dây chuyền có công suất hàng chục ngàn xe mỗi năm, nhưng rất nhiều đơn vị mỗi năm chỉ xuất xưởng được vài ngàn xe. |
Theo Hiệp hội Xe đạp Xe máy Việt Nam, trong vài tháng gần đây mức tiêu thụ xe của các doanh nghiệp trong hiệp hội giảm trên 30%, cá biệt có những đơn vị giảm tới một nửa so với thời điểm đầu năm nay.
Bi đát nhất là khối doanh nghiệp nhà nước. Với 22 đơn vị, bảy tháng đầu năm nay khối doanh nghiệp nhà nước chỉ sản xuất được gần 58.000 xe các loại, giảm đến 34,4% so với cùng kỳ. “Ngành công nghiệp xe máy của Việt Nam có 52 đơn vị, trong đó bảy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đã xác lập được chỗ đứng khá vững trên thị trường.
Còn 45 doanh nghiệp trong nước, chỉ khoảng một phần ba là có việc làm tương đối, đa số còn lại hoạt động cầm chừng hoặc thường xuyên phải đóng cửa”, ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Xe đạp Xe máy Việt Nam, nói.
Với mức tiêu thụ trên 1,5 triệu xe vào năm ngoái, thị trường xe máy Việt Nam vẫn không đủ chỗ cho cả 52 doanh nghiệp cùng tồn tại. Việc phát triển ồ ạt các cơ sở lắp ráp trong giai đoạn 1998-2002 đã đưa công suất của ngành này vọt lên trên 3,2 triệu sản phẩm/năm.
Tình trạng cung vượt cầu quá xa làm cho cạnh tranh trên thị trường xe máy ngày càng trở nên quyết liệt. Trong bối cảnh đó, thay vì củng cố chất lượng để tạo uy tín cho thương hiệu của mình, nhiều doanh nghiệp lại hy sinh chất lượng để hạ giá thành nhằm thu hút khách hàng.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết: “Hơn 10 doanh nghiệp còn trụ vững cho đến nay đều là những đơn vị ngay từ đầu đã đầu tư công nghệ và quan tâm đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín thương hiệu của mình”.
Ngoài khả năng cạnh tranh kém trên thị trường, nhiều cơ sở lắp ráp xe máy phải ngưng hoạt động còn liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Trước đây, hầu hết kiểu xe do doanh nghiệp trong nước lắp ráp đều nhái theo sản phẩm của các công ty Nhật Bản. Từ năm ngoái, khi Chính phủ bắt đầu kiểm soát chặt vấn đề bản quyền kiểu dáng, lập tức nhiều doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo một số nhà doanh nghiệp, thị trường xe máy Việt Nam đang hỗn loạn, cho thấy tình trạng đầu tư theo phong trào và phần nào thể hiện sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch phát triển ngành.
Tuy việc cho phép hình thành những cơ sở lắp ráp xe Trung Quốc giá rẻ đã buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này phải hạ giá bán xe nhưng mặt trái của nó là góp phần làm cho hệ thống giao thông đường bộ tại các đô thị lớn quá tải. Thêm vào đó, việc buông lỏng khâu quản lý chất lượng khiến thị trường Việt Nam tràn ngập các xe chất lượng kém, tiêu tốn nhiều nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường.
Ở tầm vĩ mô, việc đầu tư hàng loạt dây chuyền lắp ráp để rồi sau đó chỉ một số ít có khả năng trụ lại trên thị trường là sự lãng phí lớn. Hiệp hội Xe đạp Xe máy Việt Nam ước tính, các doanh nghiệp trong nước đã chi ra không dưới 100 triệu đô la Mỹ để đầu tư cho các dây chuyền lắp ráp, mỗi dây chuyền có công suất hàng chục ngàn xe mỗi năm, nhưng rất nhiều đơn vị mỗi năm chỉ xuất xưởng được vài ngàn xe.
Lẽ ra Bộ Công nghiệp phải có những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp trong lĩnh vực sản xuất này nhằm tránh tình trạng đầu tư theo phong trào và để bảo vệ người tiêu dùng. Hoặc các cơ quan quản lý nhà nước phải có giải pháp khuyến khích các nhà đầu tư hợp tác với nhau để hình thành nên những doanh nghiệp mạnh, đủ khả năng cạnh tranh với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, chính sách khuyến khích nội địa hóa được thực hiện 10 năm qua cũng là một sai lầm, vì theo một số nhà doanh nghiệp, các quy định của nhà nước không khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với nhau.
Ông Lê Anh Tuấn nói: “Quy định bắt buộc mỗi doanh nghiệp lắp ráp phải tự sản xuất ít nhất 20% linh kiện, làm cho ngành sản xuất linh kiện phân tán và chồng chéo. Cách làm như vậy thì khó mà hình thành được những nhà cung cấp linh kiện lớn và chuyên nghiệp”.
Hiện nay, quy định về tỷ lệ nội địa hóa đã được bãi bỏ, nhưng để khắc phục những hậu quả do chính sách này để lại có lẽ phải mất nhiều năm nữa.
Theo Tấn Đức
Thời báo KTSG