Quá lãng phí đất cho các dự án sân golf

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất từ Tổng cục đất đai (Bộ TNMT) chỉ ra rằng, các dự án sân golf chiếm diện tích rất lớn, trong đó gồm nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất trồng lúa nhưng hiệu quả hoạt động thấp, đã và đang gây bức xúc trong dư luận.

Cấp phép tràn lan

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục đất đai (Bộ TNMT), hiện có 78 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf đang triển khai tại 28 tỉnh, thành phố. Trong đó có 13 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang trong quá trình thực hiện đền bù, GPMB, xây dựng cơ bản.

Những tỉnh có nhiều dự án sân golf phải kể đến là Lâm Đồng (6), TPHCM (6), Bà Rịa Vũng Tàu (5). Các tỉnh có từ 3 - 4 dự án gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Ngoài ra, còn có 66 dự án đã được các địa phương cấp văn bản chấp thuận cho đầu tư hoặc thống nhất chủ trương đầu tư. Như vậy, từ khi sân golf đầu tiên được cấp phép (năm 1992) đến nay, cả nước đã có 144 dự án có mục tiêu sân golf đã được cấp phép hoặc cấp chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện.

Trong đó, thống kê từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, có 21 dự án chỉ kinh doanh sân golf, số còn lại 113 dự án là kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh BĐS, khu du lịch. Đáng chú là diện tích sử dụng đất của dự án sân golf chiếm rất lớn. Chưa kể 66 dự án mới có chủ trương thì 78 dự án đang triển khai chiếm tới 26.170 ha đất với khoảng 12.000 ha trong số đó là diện tích đất nông nghiệp. Thậm chí, có tới 2.800 ha đất trồng lúa bị “xâm lấn” để dành cho các dự án sân golf.

Nộp thu ngân sách chủ yếu từ kinh doanh BĐS

Báo cáo của Tổng cục đất đai cũng chỉ rõ, số lượng dự án đã và đang triển khai thực hiện là quá nhiều so với nhu cầu thực tế môn thể thao này (vì không phải là môn thể thao quần chúng), nhất là các Vùng Đồng bằng Bắc Bộ (17 dự án) và Đông Nam Bộ (19 dự án).

Thậm chí ngay trong phạm vi cùng một tỉnh cũng có tới 3 - 6 dự án là không cần thiết, là nguy cơ hoạt động kém hiệu quả sẽ gây lãng phí lớn về đất đai, nếu thu hồi đất cũng ít khả năng phục hồi cho sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, việc thực hiện các dự án sân golf lại chiếm một diện tích đất nông nghiệp rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống của người dân bị thu hồi đất và nền nông nghiệp.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư còn so sánh hiệu quả hoạt động của các dự án sân golf hiện nay (với 13 dự án) trên một đơn vị diện tích so với hoạt động sản xuất khác là còn thấp. Cụ thể năm 2007 nộp ngân sách chỉ khoảng 124 triệu đồng/ha, trong đó chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh BĐS.

Quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn thiếu cụ thể nên không có cơ sở kiểm soát. Tình trạng vi phạm quy hoạch sử dụng đất trong việc phát triển sân golf còn diễn ra ở một số địa phương. Do chưa có quy hoạch phát triển hệ thống sân golf trên phạm vi cả nước nên việc quản lý vĩ mô của các cơ quan nhà nước ở Trung ương đối với phát triển sân golf hiện nay cũng không có cơ sở.

Trước thực trạng đó, giải pháp được đưa ra là đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đình chỉ việc giao đất cho 66 dự án sân golf chưa triển khai, thu hồi đất đã giao cho các dự án chưa triển khai hoặc chậm tiến độ theo dự án được duyệt.

Việc lập quy hoạch hệ thống sân golf trên phạm vi cả nước cũng cần được triển khai theo hướng hạn chế tối đa việc xây dựng sân golf tại khu vực đồng bằng, chỉ cho phép xây dựng khu vực trung du, miền núi. Đó cũng chính là nguyện vọng của nhiều người dân trước nguy cơ có thể bị thất nghiệp do mất đất sản xuất cũng như ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng.

Lan Hương