Hà Tĩnh:

“Quả đắng” tín dụng ở Ngân hàng Ngoại thương

(Dân trí) - Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh đã cho vay hơn 50 tỷ đồng đối với một doanh nghiệp (DN) bất chấp cảnh báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế (C15) về những dấu hiệu bất bình thường trong việc làm ăn của DN này.

Nợ và nợ

Theo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần XNK Hà Tĩnh (viết tắt là Công ty XNK) đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 75 tỷ đồng, khó có khả năng thu hồi.

C15 đã từng có cảnh báo việc làm ăn có dấu hiệu không bình thường của Chi nhánh Công ty XNK tại TPHCM. Theo đó, Chi nhánh đã ký hợp tác với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lê Tấn (gọi tắt là Công ty Lê Tấn) có trụ sở tại 559/20 Trần Xuân Soạn, Quận 7, TPHCM.

Hợp tác nói rõ: “Nguồn hàng do Chi nhánh tự tìm hoặc do Công ty Lê Tấn chỉ định. Chi nhánh vay vốn ngân hàng, làm thủ tục nhập khẩu, quản lý hàng và hưởng 50.000 đồng/tấn, còn Công ty Lê Tấn chịu toàn bộ chi phí liên quan đến lô hàng như: thuế, bảo hiểm; phí bốc xếp, vận chuyển, hải quan, mở L/C …”.

Vào thời điểm tháng 4/2006 khi hai bên giao kết hợp đồng bán phân bón lần thứ 2 chưa thực hiện, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế (C15) đã nhắc nhở, cảnh báo Chi nhánh Công ty tại TPHCM về nguy cơ mất khả năng thanh toán của Công ty Lê Tấn.

 

C15 cho rằng, việc Lê Tấn nợ tiền hàng hàng chục tỷ đồng thực chất là hành vi chiếm dụng vốn Nhà nước.

Ngày 16/11/2005, Công ty XNK Hà Tĩnh ký hợp đồng với Công ty Lê Tấn bán cho Lê Tấn 10.000 tấn UREA Trung Quốc (giá trị 46 tỷ đồng) với cam kết hàng giao đến đâu, thu tiền đến đó. Phân UREA sau đó đã được giao đầy đủ cho đối tác đúng như điều khoản hợp đồng, song, phía Công ty Lê Tấn chỉ thanh toán được khoảng 14 tỷ đồng.

Ngày 28/4/2006, Công ty XNK Hà Tĩnh tiếp tục ký thêm hợp đồng bán cho Lê Tấn 7.500 tấn phân DAP Jorden với trị giá trên 39 tỷ đồng. Cũng như lần trước mặc dù đã nhận đủ số phân bón nhưng Lê Tấn vẫn không trả tiền ngoại trừ 1,8 tỷ đồng đặt cọc ban đầu.

Số tiền Công ty Lê Tấn nợ Công ty XNK Hà Tĩnh tại hợp đồng này là 38,4 tỷ đồng. Tính cả gốc và lãi, đến thời điểm giữa năm 2007, công nợ giữa Lê Tấn và Côngty XNK là 75,2 tỷ đồng.

“Chủ yếu là tín chấp”

Công ty XNK Hà Tĩnh sau đó vẫn thuyết phục được Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh để vay thêm nhiều tỷ đồng. Mặc dù số dư nợ quá hạn Công ty XNK Hà Tĩnh ở thời điểm phát sinh thêm hợp đồng mới đã lên tới hơn 20 tỷ đồng nhưng Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh vẫn mở L/C cho vay tiếp hàng chục tỷ đồng.

Đến tháng 8/2007, Ngân hàng ngoại thương Hà Tĩnh thu hồi được 31 tỷ đồng.

Trả lời Dân trí, giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Lực nói, ngân hàng này đã cho Công ty XNK Hà Tĩnh vay 50 tỷ đồng vào nhiều dự án kinh doanh ở các thời điểm khác nhau. “Cố nhiên có hai dạng tài sản bảo đảm là tài sản cố định, ở đây tài sản cố định gần 20 tỷ bằng lô hàng mà công ty đã vay, còn lại là tín chấp”.

Ông Lực nói rằng có biết báo cáo của C15 và nắm được tình hình kinh doanh của khách hàng, thực tế là DN này đang nợ đầm đìa. Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh sau một thời gian kỳ cạch “đeo bám”, đã thu hồi về khoảng 30 tỷ đồng.

Vấn đề là khi phát hiện ra việc làm ăn không bình thường của khách hàng nhưng Ngân hàng này vẫn cho vay với số tiền lớn. Số tiền còn lại không biết đến lúc nào đòi được đang là “quả đắng” đối với Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh.

Việt Dũng