“Quả đắng” sau cổ phần hóa

Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng (TP.Thái Nguyên) từng là một điểm sáng ở cái nôi gang thép. Thế nhưng, chưa đầy 7 năm sau khi cổ phần hóa (CPH), đơn vị này đã tụt dốc không phanh.

Thay vì tập trung cho ra lò các sản phẩm thép, người lao động (NLĐ) của Cty lại phải gửi đơn kêu cứu khắp nơi đòi lương, sổ BHXH hay các chế độ hưu trí, thậm chí họ tự tổ chức canh gác để nhà máy không bị “xẻ thịt” một cách mờ ám.
 
Tụt dốc không phanh

 

Tụt dốc không phanh

 

Sau khi gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng, đến ngày 16/5 vừa qua ông Nguyễn Xuân Hằng – nguyên là công nhân phân xưởng cán 1 mới được Cty chốt sổ BHXH để làm thủ tục hưu trí. Vậy là nghỉ hưu được gần một năm ông Hằng mới được hưởng những đồng lương hưu đầu tiên. Chế độ chính đáng của NLĐ nhưng họ đã phải đi lại nhiều lần, thậm chí gây sức ép với lãnh đạo Cty mới được nhận.

 

Ông Hằng cho hay: “Chúng tôi phải yêu cầu lãnh đạo Cty, gửi đơn kêu cứu khắp nơi, rồi chủ động phát hiện những hành vi mờ ám bán thiết bị, tài sản của nhà máy họ mới làm thủ tục chốt sổ hưu trí. Ngoài tôi ra, hơn 40 người nữa đã về nghỉ chế độ cũng đã được thực hiện chế độ”. Nhưng còn lời hứa của lãnh đạo Cty về việc hỗ trợ 3 tháng lương cho những người về nghỉ chế độ thì đến giờ vẫn chưa thấy đâu. Ông Hằng cho biết lãnh đạo Cty đã nói thẳng không còn tiền, giờ chỉ chờ Cty phá sản rồi có kiện ra tòa thì kiện.

 

Những người đã về hưu, nghỉ chế độ ít ra đã được nhận sổ bảo hiểm, có chế độ hưu trí, những NLĐ trên giấy tờ, hợp đồng vẫn là công nhân của Cty đang phải chịu chung cảnh ngắc ngoải cùng nhà máy. Trên 400 LĐ của Cty rơi vào cảnh bị nợ lương, nợ BHXH kéo dài, công việc lúc có lúc không.

 

Trong buổi đối thoại vào ngày 19/3 với toàn thể NLĐ của Cty, ông Lê Văn Lợi – Tổng Giám đốc Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã thừa nhận: “Cty phải nợ lương, nợ chi trả BHXH cho công nhân. Thậm chí, Cty còn không đảm bảo được mức lương tối thiểu cho NLĐ”. Lãnh đạo của Cty cũng đã chỉ ra biểu đồ xuống dốc của Cty từng là điểm sáng của khu gang thép Thái Nguyên. Từ năm 2008, nghĩa là chỉ sau một năm tiến hành CPH, Cty càng sản xuất càng thua lỗ.

 

Đỉnh điểm của sự trì trệ bắt đầu xuất hiện vào năm 2012 khi tình hình sản xuất bị gián đoạn liên tục, có tháng NLĐ làm chưa đủ 10 ngày công. Cty càng sản xuất thì lại càng lỗ như tháng 8 lỗ 3 tỉ đồng, tháng 11 lỗ 2 tỉ đồng, đến tháng 12 sản xuất ít chỉ lỗ hơn 1 tỉ đồng. Số nợ lũy kế của Cty này đã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Để chặn bớt các khoản chi phí phát sinh cho NLĐ, thậm chí Cty đã đề nghị NLĐ ký vào đơn xin tạm hoãn HĐLĐ để Cty  không phải đóng thêm các khoản BHXH, BHYT.

 

Những người đã có nhiều năm gắn bó với thép Gia Sàng không khỏi ngậm ngùi trước hoàn cảnh hiện tại. Tiền thân của Cty là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng được thành lập từ năm 1973 với hệ thống thiết bị do CHDC Đức thiết kế, lắp đặt. Cho đến năm 2006, trước thời điểm CPH, Cty liên tục làm ăn có lãi, NLĐ có thu nhập ổn định và gắn bó với nhà máy. Có gia đình đã gắn bó với nhà máy đến 2 – 3 thế hệ, nhiều gia đình cả vợ cả chồng đều làm trong nhà máy. Không ai có thể nghĩ được rằng, sau khi CPH một nhà máy thép từng làm ăn có lãi hàng chục năm liên tục lại có thể trượt dốc nhanh đến vậy.

 

Nhà máy đang bị “xẻ thịt”

 

Dù đã nhận sổ hưu trí, nhưng ông Hằng cùng nhiều công nhân từng làm việc ở nhà máy vẫn đâm đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Họ không cầu cứu về chế độ cho bản thân nữa mà cầu cứu cho chính nhà máy thép đang dần bị xẻ thịt đem bán sắt vụn một cách mờ ám.

 

Ngày 8/1, NLĐ Cty phát hiện các thiết bị cơ điện máy cán cùng các thanh cái bằng đồng của lò điện 3 và 4, dây dẫn điện bằng đồng bỗng biến mất. Lạ lùng là khối tài sản gần 10 tấn này không thể bị di chuyển trong một sớm một chiều, vậy mà bốc hơi trong khi lãnh đạo Cty không hay biết. Trong biên bản thống kê sau đó, số tài sản bị mất trộm được định giá là 917 triệu đồng trong khi khối lượng ghi trong biên bản là 6 tấn đồng. Theo một NLĐ trong Cty, chỉ tính giá phế liệu số tài sản trên cũng trị giá nhiều tỉ đồng. Tiếp đến, ngày 12/4 CA TP.Thái Nguyên đã tạm giữ một xe ôtô vận chuyển các thiết bị, sắt thép từ trong Cty ra. Được biết, khối lượng tài sản này là trên 17 tấn.

 

Công nhân Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã gửi đến chúng tôi nhiều bản Hợp đồng mua bán hay Hợp đồng kinh tế với bên bán là phía Cty với phía đối tác. Còn hàng hóa được bán rất đa dạng, thường được tính theo cân (kg). Sự đa dạng được thể hiện ở tên của hàng hóa được bán, đó là xe công nông, máy nghiền, vỏ hộp giảm tốc, bánh xe truyền động, máy bơm cao áp, thùng rót thép, trục truyền hoa mai, động cơ máy cán thỏi, động cơ máy nghiền hàn thô hay đơn giản hơn được ghi là “thép phế sạch”.

 

Chưa rõ những chiếc xe tải chở phế liệu gì ra khỏi nhà máy, NLĐ chỉ thấy rằng một nhà máy thép truyền thống đang dần bị xẻ thịt. Thế là Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng 30 năm tuổi cứ dần dần bị rút ruột, thiết bị máy móc bốc hơi chỉ còn lại cái vỏ. Công nhân thiếu việc, mất việc trong khi lãnh đạo giải thích nguyên nhân khó khăn do “suy thoái kinh tế”. Còn số phận của hàng trăm công nhân hiện vẫn còn hợp đồng lao động với Cty, có lẽ giờ chỉ còn chờ đến lúc thực hiện thủ tục phá sản để giải quyết.

 

Theo Vinh Hải

Lao động