1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

PVN đủ "khỏe" để triển khai 13 dự án điện

(Dân trí) - Với lý do không đủ vốn, EVN đã đề xuất với Chính phủ trả lại 13 dự án điện còn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại xin được khiển khai các dự án đó. Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh khẳng định: “PVN đủ khỏe để nhận việc này”.

Theo khẳng định của Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh, việc PVN xin triển khai 13 dự án điện sau khi EVN đề xuất trả lại là vì muốn chia sẻ khó khăn với Chính phủ và người dân.

“Các vị biết rằng đất nước chúng ta còn thiếu điện. Nếu 13 dự án mà không thực hiện thì khó khăn kinh tế, tình hình thiếu điện lại càng trầm trọng. Nên một khi quốc gia hữu sự thì thất phu hữu trách, dầu khí viết báo cáo lên Chính phủ là Chính phủ khó khăn thì dầu khí sẽ có trách nhiệm.

Tất nhiên Chính phủ sẽ kiểm tra, vốn từ đâu, vốn bao nhiêu, tiến độ thế nào…làm được bao nhiêu thì Chính phủ sẽ giao, chứ không phải xin là Chính phủ cho tất cả để tất cả sẽ bị khó khăn vì sa lầy của 1 tập đoàn”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo ông Cảnh, PVN hoàn toàn có đủ năng lực để làm chủ đầu tư các dự án điện. Tính toán từ PVN cho thấy, với tổng công suất 13.800 MW, vốn đầu tư cho 13 dự án điện vào khoảng 20,7 tỷ USD và lượng than nhiên liệu cho 13 dự án nhiệt điện này đi vào hoạt động vào khoảng 41.400 triệu tấn than.

Trong quý 4 này, PVN sẽ khởi công xây dựng nhà máy Điện Nhơn Trạch 2, hoàn tất đàm phán ký kết 5 dự án dầu khí ở nước ngoài. Hiện PVN đang hoàn tất phương án và tổ chức thực hiện việc cung cấp dầu thô (bao gồm cả phương án về nguồn dầu thô thay thế dầu Bạch Hổ), phân phối sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất trong giai đoạn chạy thử (bắt đầu vào tháng 12/2008). Dự kiến, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ vận hành để bắt đầu có sản phẩm từ tháng 2/2009.

Xung quanh những thắc mắc về khả năng đảm nhiệm 13 dự án điện của PVN, bà Phan Thị Hoà, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết thêm: “Giai đoạn 2008 - 2015, tập đoàn được giao nhiệm vụ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% tổng sản lượng điện phát ra. Do vậy, ngoài các dự án nguồn điện từ khí thì việc mở rộng, tìm kiếm các dự án điện chạy bằng nhiên liệu khác ngoài khí cũng được PVN nhắm tới. Đây cũng chính là lý do khiến PVN đề xuất xin toàn bộ các dự án mà EVN không “gánh” nổi”.

Liên quan đến việc EVN từ chối 13 dự án và sau đó tập đoàn dầu khí Việt Nam đã nhận làm các dự án này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay, Bộ được Chính phủ giao tính toán nên giao 13 dự án này cho ai làm chủ đầu tư: giao cho doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, thực hiện dự án BOT hay 100% vốn nước ngoài. Tôi hoan nghênh thái độ của Tập đoàn dầu khí Việt Nam khi đứng ra nhận làm các dự án này, còn việc thực hiện có khả thi hay không thì chúng tôi sẽ phải xem xét.

Nguyễn Hiền