PVFC còn hơn 2.700 tỷ đồng dư nợ Vinashin, Vinalines

(Dân trí) - PVFC có gần 830 tỷ đồng cho vay đồng tài trợ đối với Falcon và hơn 470 tỷ đồng ủy thác cho Vinashinlines vay, tuy nhiên, hai doanh nghiệp này đang nằm trong diện phá sản theo Đề án tái cơ cấu Vinalines.

Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC – mã chứng khoán: PVF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 đã được soát xét bởi hãng kiểm toán Ernst & Young (E&Y).

Tại báo cáo này, E&Y cho biết, công tác soát xét cung cấp một mức độ đảm bảo thấp hơn công tác kiểm toán do chủ yếu bao gồm việc trao đổi với nhân sự của PVFC và các công ty con, áp dụng các thủ tục phân tích đối với những thông tin tài chính.

Tuy không thực hiện công việc kiểm toán nên không đưa ra ý kiến kiểm toán, song E&Y vẫn có những ngoại trừ trong công tác soát xét.

PVFC còn hơn 2.700 tỷ đồng dư nợ Vinashin, Vinalines
Tổng dư nợ mà PVFC đã cấp cho các đơn vị thuộc Vinashin và Vinalines khoảng 2.700 tỷ đồng (Ảnh: Mai Chi).

Cụ thể, tại này 30/6/2013, PVFC vẫn còn khoản cho vay đồng tài trợ đối với CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon), một công ty trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trị giá 35,3 triệu USD (tương đương 742,61 tỷ đồng) cùng số lãi dự thu tương ứng trị giá 4 triệu USD (tương đương 84,4 tỷ đồng).

Giá trị tài sản đảm bảo còn lại đến thời điểm hiện tại là tàu biển được ngân hàng đầu mối định giá ngày 8/8/2007 với giá trị 8,95 triệu USD (tương đương 188,27 tỷ đồng).

Trong năm 2012, PVFC cũng đã tiếp nhận thêm tài sản đảm bảo là 2 xe ô tô và hiện vẫn đang trong quá trình xử lý bán tài sản đảm bảo là tàu biển. Ngoài ra, Tổng công ty đã nhận tài sản đảm bảo bổ sung là các tài sản hình thành từ dự án Cảng Phú Hữu và đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với dự án này.

Một khoản quan trọng khác của PVFC là ủy thác cho vay thông qua Công ty tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy (VFC) đối với Công ty TNHH Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) – một đơn vị được bàn giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Vinalines.

Khoản dư nợ gốc vay là 20,24 triệu USD (tương đương 425,82 tỷ đồng), số lãi dự thu tương ứng trị giá 2,1 triệu USD (tương đương 44,52 tỷ đồng).

Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là các tàu biển Vinashin Liner 2 được định giá lại vào ngày 26/3/2011 với giá trị còn lại là 4,25 triệu USD (tương đương 89,4 tỷ đồng) và tàu Vinashin Atlantic được tái định giá ngày 10/11/2010 với giá trị còn lại tại thời điểm đánh giá là 26,22 triệu USD (tương đương 551,5 tỷ đồng). Ngoài ra, khoản vay này được bảo lãnh cam kết trả nợ thay bởi Vinashin.

Theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinalines, PVFC đã thực hiện giữ nguyên trạng thái nợ đối với các khoản cho vay này và chưa trích dự phòng bổ sung.

Vấn đề nằm ở chỗ, Falcon và Vinashinlines lại thuộc dánh sách doanh nghiệp thực hiện phá sản theo Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được phê duyệt. Do vậy, đơn vị soát xét E&Y cho biết không thể xác định được giá trị có thể thu hồi đối với các số dư tín dụng này và mức dự phòng rủi ro tín dụng cần phải trích lập tương ứng tại ngày 30/6/2013.

Theo soát xét của E&Y, tại ngày 30/6/2013, tổng dư nợ tín dụng mà PVFC đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là 1.057,3 tỷ đồng (bao gồm cả dư nợ Vinashinlines đã được bàn giao sang Vinalines từ năm 2010) và một số công ty thuộc Vinalines là 1.669,1 tỷ đồng (bao gồm cả dư nợ với Falcon và không bao gồm dư nợ Vinashinlines).

Tại thời điểm 30/6/2013, PVFC đã trích lập 63,8 tỷ đồng dự phòng cho các khoản dư nợ nêu trên. Hiện tại, Tổng công ty vẫn tiếp tục làm việc với Vinashin, Vinalines và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản cho vay này.

Được biết, PVFC và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) đang thực hiện những thủ tục cuối cùng để sáp nhập thành ngân hàng mới là PVcom Bank, vốn điều lệ dự kiến 9.000 tỷ đồng.

Mai Chi