Putin lệnh lập hệ thống thanh toán riêng, đáp trả phương Tây

(Dân trí) - Tổng thống Nga Putin ngày 27/3 tuyên bố Moscow sẽ lập một hệ thống thống thanh toán quốc gia riêng giống như Nhật hay Trung Quốc, nhằm bớt lệ thuộc vào các hệ thống thanh toán tại Mỹ, trong bối cảnh phương Tây tăng cường trừng phạt.

Tuyên bố trên được ông Putin đưa ra giữa lúc Mỹ và EU đang cân nhắc tăng cường trừng phạt Nga, sau khi đã cấm đi lại và phong tỏa tài sản với nhiều quan chức nước này. Bộ tài chính Mỹ cũng đưa 4 ngân hàng của Nga vào danh sách cấm vận, khiến các ngân hàng, công ty thẻ tín dụng của Mỹ không được phép hợp tác.

Tổng thống Nga Putin quyết định sẽ giảm bớt phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ
Tổng thống Nga Putin quyết định sẽ giảm bớt phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Giá vàng, chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm


“Các hệ thống đó đang hoạt động tại những nước như Nhật Bản và Trung Quốc và chúng hoạt động rất tốt. Ban đầu chúng hoạt động như một hệ thống quốc gia, trong phạm vi các thị trường và lãnh thổ của họ, vì người dân họ. Và giờ chúng đang trở nên rất phổ biến”, Tổng thống Putin tuyên bố trong một cuộc họp với thượng viện.

Ông cho biết hệ thống của Nhật, vốn khởi điểm chỉ là dành cho nước này, giờ đã hoạt động ở 200 quốc gia.

“Tại sao chúng ta không làm thế? Chúng ta phải làm vậy và chúng ta sẽ làm vậy”, ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh, và cho biết thêm rằng ngân hàng trung ương Nga đang làm việc chặt chẽ với chính phủ để tạo ra một hệ thống như vậy, nhưng sẽ cần thời gian.

Trước đó, cũng trong ngày thứ Năm, ông Putin cho biết Nga cảm thấy lấy làm tiếc khi một số hệ thống thanh toán hạn chế hoạt động của họ tại Nga, và cho biết thêm rằng hậu quả là những công ty này sẽ đánh mất một thị trường sinh lời cao.

Trong khi đó, người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng đã kêu gọi phát triển hệ thống thẻ nội địa riêng của Nga, để giảm bớt phụ thuộc và thẻ Visa và Mastercard sau khi Mỹ cấm vận khiến các dịch vụ này bị ngưng lại. Dù vậy bà Nabiullina cho biết Nga không có dự định từ bỏ các hệ thống thanh toán của Mỹ.

Visa và MasterCard đã ngừng xử lý các giao dịch thanh toán bán lẻ và trực tuyến của một số ngân hàng Nga bị Washington cấm vận hồi tuần trước, trong hành động trừng phạt việc Moscow sáp nhập Crimea.

Đáp lại, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ mở tài khoản và nhận lương tại một trong những ngân hàng bị Mỹ cấm vận là Bank Rossiya.

Quỹ hỗ trợ khẩn cấp 88 tỷ USD

Nhằm hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp có các khoản nợ ngoại tệ lớn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính xuất phát từ các lệnh trừng phạt, Nga sẽ sử dụng một quỹ khẩn cấp có quy mô 88 tỷ USD, Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov khẳng định với hãng tin Prime.

Đã có 4 ngân hàng của Nga bị Mỹ cấm vận

Đã có 4 ngân hàng của Nga bị Mỹ cấm vận

“Quỹ tài sản quốc gia là một nguồn lực khẩn cấp, có thể được sử dụng trong trường hợp khủng hoảng nhằm giúp các ngân hàng và các công ty lớn có nghĩa vụ nợ với các chủ nợ nước ngoài”, ông Siluanov tuyên bố tại sàn chứng khoán Moscow, nhưng cho biết thêm rằng đến nay ông chưa thấy có dấu hiệu nào cần phải thực hiện việc này.

Bộ trưởng phát triển kinh tế Alexei Ulyukayev thì cho biết chính phủ có thể thực hiện một loạt bước đi, nhằm tăng vốn cho hệ thống ngân hàng nếu tình hình kinh tế xấu đi do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Cụ thể, chúng tôi đang thảo luận khả năng hỗ trợ các ngân hàng tái định hướng luồng vốn, mà lẽ ra phải được trả cho chủ sở hữu trong tình hình bình thường, bao gồm việc nhà nước sẽ trở thành cổ đông lớn, để hỗ trợ vốn cho họ”, Ulyukayev khẳng định.

Vị Bộ trưởng này cũng đã phác thảo viễn cảnh xấu nhất, theo đó luồng vốn tháo chạy khỏi Nga sẽ lên tới 100 tỷ USD vào cuối năm, đầu tư vào nước này sẽ sụt 1,3%, và GDP của Nga sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 0,6%. Theo công bố của Bộ trưởng phát triển kinh tế, trong tháng Giêng, GDP của nước này tăng trưởng khoảng 2,5%.

Theo Bloomberg, tính đến 20/3, đã có 5,5 tỷ USD vốn đầu tư rời khỏi Nga, gần bằng mức 6,1 tỷ USD của cả năm 2013.

Người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng trấn an rằng, ngân hàng này sẽ sử dụng mọi biện pháp để hỗ trợ thanh khoản cho ngành ngân hàng, nhưng giờ vẫn chưa thấy cần thiết. Bà cũng tuyên bố không có kế hoạch đặt ra giới hạn về việc giao dịch tiền tệ trong tình huống thâm hụt thanh khoản.

“Các mức giới hạn về hoán đổi tiền tệ được đưa ra trong cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 và các thành viên thị trường có lẽ đã lo lắng việc chúng tôi sẽ lại dùng biện pháp này. Chúng tôi tin tưởng rằng trong điều kiện thị trường thâm hụt, công cụ này sẽ giữ và kiểm soát biên độ tỷ giá để chúng nằm trong phạm vi giao dịch”, Naibullina nói.

Theo nhiều nhà phân tích, kinh tế Nga có thể bị ảnh hưởng bởi cấm vận, nhưng tình hình không hề tệ như những năm 1990. Hiện Nga vẫn có trong tay những con bài rất mạnh khi dự trữ ngoại hối bằng vàng và ngoại tệ lên tới gần 500 tỷ USD, nợ nước ngoài chỉ ở mức 30 tỷ USD, tương đương 2% GDP. Trừ khi giá dầu thô toàn cầu bất ngờ lao dốc, kinh tế Nga vẫn sẽ lạc quan.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước