PNJ chung tay cùng cộng đồng thay đổi cái nhìn về trẻ tự kỷ
(Dân trí) - Tham gia dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", những người làm trong lĩnh vực này được trau dồi thêm chuyên môn, nâng cao năng lực, tiếp cận chuyên sâu hơn về trẻ tự kỷ.
Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng khởi xướng, tài trợ và phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2018-2023.
Trong suốt 4 năm, dự án đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phổ biến kiến thức về tự kỷ ở trẻ em, cũng như xây dựng đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ.
Cụ thể, tới nay dự án đã tiếp cận và phổ biến kiến thức tới hơn 300 trung tâm, cơ sở can thiệp tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có trên 10.000 trẻ em tại trung tâm, cơ sở và trên 3.000 trẻ em ngoài cộng đồng được hưởng lợi từ dự án này.
Trung tâm giáo dục hòa nhập An Phương, Thanh Hóa, là một trong những đại diện đầu tiên trên cả nước được tham gia dự án. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trịnh Thị Phương, nhân sự phụ trách chuyên môn tại đây, đánh giá dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng.
Theo bà Phương, dự án không chỉ tổ chức thành công các buổi tập huấn, quy tụ những chuyên gia, nhà chuyên môn ở các lĩnh vực y tế, tâm lý, giáo dục…, mà còn tập hợp những tiếng nói chung hướng về trẻ tự kỷ.
Thông qua các lớp tập huấn, những người làm trong lĩnh vực hỗ trợ, chăm sóc trẻ tự kỷ được trau dồi thêm chuyên môn, nâng cao năng lực, tiếp cận chuyên sâu hơn về trẻ tự kỷ.
"Bản thân tôi là một bác sỹ với gần 10 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp với các trẻ gặp rối loạn phát triển. Tôi nhận thấy dự án là một món quà vô giá đối với những người làm việc trong những lĩnh vực liên quan tới trẻ tự kỷ. Bộ tài liệu 'Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỉ tại Việt Nam' thuộc chương trình dự án, tổng hợp khối kiến thức đa ngành là tài liệu quan trọng, là nguồn . tham khảo chính thống, giúp định hướng, là kim chỉ nam trong công tác can thiệp, trị liệu tại trung tâm", bà Phương chia sẻ.
Khi tham gia dự án, trung tâm giáo dục hòa nhập An Phương đã được các chuyên gia hỗ trợ thực hiện các hoạt động như khám, đánh giá, tư vấn miễn phí tại cộng đồng; tập huấn, hướng dẫn với phụ huynh, giáo viên theo các chuyên đề; tặng sách với giáo viên, phụ huynh tại trung tâm cũng như địa phương; áp dụng những kiến thức, theo các phương pháp thực chứng để hướng dẫn phụ huynh, triển khai can thiệp tại trung tâm.
"Với giáo viên, chúng tôi cảm thấy vững tin hơn với con đường tuy gian nan nhưng đáng tự hào này. Với phụ huynh giúp họ hiểu rõ hơn vấn đề của con và biết các chiến lược, kiến thức đúng để cùng đồng hành với con. Ngoài ra, thông qua các buổi tập huấn tuyên truyền cũng giúp xã hội có góc nhìn đúng đắn hơn về rối loạn phổ tự kỷ", bà Phương cho hay.
Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục Hừng Đông, Hà Nội, cũng được lựa chọn tham gia dự án này trong suốt nhiều năm qua. Bà Vũ Thị Thu Hiền, Giám đốc trung tâm, đánh giá ngoài các buổi tập huấn trực tiếp, dự án thu hút sự tham gia của cả cộng đồng nhờ các buổi tập huấn online, gameshow, bài viết trên Facebook…, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng, để cộng đồng có thể thay đổi cách nhìn và hỗ trợ trẻ tự kỷ và gia đình trẻ.
Theo bà Hiền, khi tham gia dự án, bà ấn tượng nhất với hoạt động "Hỗ trợ trẻ em tham dự lớp học phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại cộng đồng".
Với những gia đình khó khăn, không có điều kiện cho trẻ đi học, đây là cơ hội để trẻ tự kỷ được can thiệp, được hỗ trợ bởi một nhóm cán bộ chuyên môn, giúp trẻ có thể tiến bộ từng ngày.
"Thông qua cách kỹ thuật viên can thiệp trẻ, cha mẹ trẻ cũng sẽ học được cách tương tác với trẻ. Kết hợp với việc tổ chức các buổi tập huấn, cha mẹ cũng hiểu hơn về trẻ, biết cách tương tác với trẻ; dù sau khi hoạt động kết thúc, không còn kỹ thuật viên đến hỗ trợ trẻ, cha mẹ cũng sẽ biết cách dạy trẻ", bà Phương nói.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam - cho hay trong giai đoạn triển khai dự án, dù có 2 năm bị dịch Covid-19, song kết quả đạt được khá tốt.
Trong đó, sự kiện "Cùng Chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương" được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV Đài Truyền hình TPHCM đã vận động được 4,3 tỷ đồng quyên góp cho dự án. Hàng năm, dự án còn tổ chức tập huấn cho 100 giáo viên và kỹ thuật viên nguồn được tuyển chọn từ các trung tâm tự kỷ của cả nước, với mục tiêu sẽ trở thành nhân sự tập huấn lại kiến thức đã học cho các giáo viên, kỹ thuật viên khác tại trung tâm, cơ sở can thiệp trẻ em tự kỷ.
Trong năm thứ 5 của dự án, các hoạt động dự kiến triển khai hội thảo tổng kết; xây dựng phóng sự truyền hình; thiết kế, biên tập 2 cuốn phụ san hình ảnh và đánh giá hiệu quả dự án sẽ được thực hiện.
Tại Việt Nam, hiện chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) số người tự kỷ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng với khoảng một triệu trường hợp (trong tổng số 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên). Riêng trẻ tự kỷ chiếm 1% số trẻ em được sinh ra hàng năm.