Phương án cơ cấu nợ của Vinashin được đa số các chủ nợ chấp thuận
(Dân trí) - Thông tin từ báo giới nước ngoài khẳng định, phương án phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh để thay cho số nợ 600 triệu USD đã quá hạn thanh toán của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã được đa số các chủ nợ chấp thuận.
Vinashin đang nỗ lực cơ cấu lại số nợ “khủng”
Theo đó, trong ngày hôm qua (13/3), Vinashin đã gửi đi một thông báo tới toàn thể các chủ nợ cho biết tập đoàn này đã thông báo tới bên đại diện của các chủ nợ là ngân hàng Credit Suisse rằng, đề xuất tái cơ cấu các khoản nợ của Vinashin đã được 51% số lượng chủ nợ thông qua. Nếu tính theo giá trị các khoản nợ, thì 75% các khoản nợ đã được đồng ý tái cơ cấu.
Theo đề xuất này, các chủ nợ sẽ hoán đổi khoản nợ 600 triệu USD cùng toàn bộ số lãi phát sinh chưa thanh toán là 23 triệu USD lấy 623 triệu USD trái phiếu không trả lãi đình kỳ. Các trái phiếu này sẽ có kỳ hạn 12 năm, được Bộ Tài chính Việt Nam bảo lãnh thanh toán. Lãi suất của trái phiếu là 1%/năm và thanh toán cùng gốc khi đáo hạn.
Thỏa thuận này đạt được sau hơn 2 năm kể từ khi Vinashin không thể hoàn trả khoản gốc 60 triệu USD đầu tiên trong số nợ 600 triệu USD đã vay năm 2007. Theo hãng tin tài chính IFR châu Á, một đơn vị trực thuộc Thomson Reuters, kế hoạch tái cơ cấu nợ này cho thấy chính phủ Việt Nam sẵn sàng đứng ra thực hiện các nghĩa vụ nợ quốc tế của tập đoàn quốc doanh này.
Dù vậy, thỏa thuận này có thể bị trì hoãn nếu có chủ nợ còn lại không đồng ý. Trong trường hợp đó, một kế hoạch dàn xếp sẽ được thực hiện tại Anh. Quá trình này sẽ mất khoảng 6 tháng để hoàn thành và có khả năng vẫn mang các điều khoản giống như đề xuất hiện tại.
Vẫn theo IFA, các chủ nợ bác bỏ đề xuất đã được gia hạn thời gian để xem lại quyết định của mình. Thời hạn mới là tới ngày 20/3 thay cho ngày 1/3. Hiện KPMG đang tư vấn cho Vinashin về kế hoạch tái cơ cấu nợ này.
Trước đó vào tháng 6/2007, Vinashin đã ký hợp đồng vay vốn 600 triệu USD, thời hạn 8 năm từ hơn 20 ngân hàng. Đây là thương vụ đồng tài trợ lớn nhất của Việt Nam vào thời điểm đó và giá trị cao gấp 3 lần mức 200 triệu USD dự kiến ban đầu.
Hiện một số chủ nợ gốc vẫn tiếp tục trụ lại trong khi một số ngân hàng đã bán các khoản nợ này cho các quỹ đầu tư mạo hiểm để rút lui sau khi Vinashin không thể trả nợ đúng hạn.
Thanh Tùng
Theo IFR Asia