Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Tập đoàn Dầu khí

(Dân trí) - Chiều 10/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Tập đoàn Dầu khí - 1

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự cuộc làm việc có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và cán bộ chủ chốt của PVN.

Sứ mệnh lớn của PVN

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN, giai đoạn 2015 trở về trước, tỷ trọng đóng góp của tập đoàn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) chiếm 25-30%, đóng góp cho GDP trung bình từ 16-18%.

Từ năm 2015 đến nay, PVN tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong đóng góp NSNN khi nộp ngân sách hằng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm là 10-13%.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn chủ sở hữu bình quân của tập đoàn đạt 10,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn điều lệ đạt 15,8% giai đoạn 2010-2019. Tốc độ tăng tổng tài sản hợp nhất của PVN giai đoạn 2010-2019 đạt 9,7%/năm. Tổng tài sản hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 861.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất của tập đoàn giai đoạn 2010-2019 đạt 9,8%/năm. Nguồn vốn chủ hữu hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 479.300 tỷ đồng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, PVN có sứ mệnh “góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường”. Đây là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho NSNN.

Theo Phó Thủ tướng, đến nay, PVN tự hào đã có thương hiệu lớn trong nước và quốc tế, với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước.

PVN là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh về chất và lượng. Vai trò của PVN rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, đóng góp quan trọng cho NSNN trong suốt hơn 30 năm đổi mới đất nước (trung bình khoảng 25-30% giai đoạn 2006-2012, khoảng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương trong thời gian qua), bảo đảm an ninh năng lượng và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

“PVN đã trở thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh trong nước và khu vực với nhiều nhà máy, công trình dầu khí quan trong quốc gia, sở hữu khối tài sản Nhà nước gần 40 tỷ USD và trên 60.000 người lao động, trong đó có nhiều chuyên gia giỏi đáp ứng yêu cầu quốc tế, vươn lên làm chủ thay thế được các chuyên gia nước ngoài từ công tác kỹ thuật công nghệ đến công tác quản lý”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, những tác động xấu của đại dịch là rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, Việt Nam đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19. Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp, góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; giải ngân tháng 8 tăng 45,4%; 8 tháng năm 2020 tăng 30,4%, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng: Khu vực trong nước tăng trưởng 15,3%, xuất siêu đạt trên 11,9 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng, nhưng ở mức thấp 2,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng sụt giảm do thực hiện dãn cách xã hội tại một số địa phương.

Trong những kết quả đạt được nói trên có sự đóng góp quan trọng của ngành dầu khí Việt Nam. 8 tháng qua, trong khi các tập đoàn dầu khí hàng đầu trên thế giới thua lỗ, PVN vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh, vượt 5,3% kế hoạch 8 tháng về khai thác dầu, khí. Tập đoàn đóng góp cho NSNN hơn 44.000 tỷ đồng và ước lãi hơn 10.000 tỷ đồng.

“Tập đoàn đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đạt được những kết quả to lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động PVN”, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá.

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, PVN hiện đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 cần có sự đóng góp rất lớn của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của PVN.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm việc với Tập đoàn Dầu khí - 2

Ảnh: VGP/Lê Sơn

8 nhiệm vụ, giải pháp cho ngành dầu khí Việt Nam

Để thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu của Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/7/2017 về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của PVN đến năm 2020 với một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW Trung ương 6 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác. Từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống. Gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Hai là, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại tập đoàn, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính. Rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện văn bản số 1182/TTg- ĐMDN ngày 11/8/2017 về phê duyệt danh mục các doanh nghiệp thuộc tập đoàn thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, PVN triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Thường trực Chính phủ làm việc với PVN và Vietnam Airlines ngày 21/5/2020 vừa qua như: Có giải pháp điều hành phù hợp để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, thăm dò, khai thác dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo các công trình dầu khí trọng điểm quốc gia để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trong kế hoạch (như dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, chuỗi dự án khí Lô B, chuỗi dự án khí Ca Voi Xanh...). Có giải pháp phù hợp xử lý các tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhiên liệu Dung Quất, dự án nhiên liệu Phú Thọ...).

Bốn là, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa đối với 3 đơn vị (Tổng công ty Dầu Việt Nam-PVOil, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn-BSR, Tổng công ty Điện lực dầu khí), kế hoạch thoái vốn tại 3 đơn vị (nếu có).

Năm là, xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của tập đoàn. Trong đó có các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng đảm bảo hài hòa với phân bố các nguồn khí tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ, thu gom và cung cấp 100 % khí tự nhiên. Phối hợp cùng lĩnh vực điện để hình thành chuỗi giá trị, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư.

Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực cùng PVN, đặc biệt là các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí mà tập đoàn đang thực hiện.

Sáu là, bám sát tình hình trên biển Đông để triển khai các dự án dầu khí khu vực truyền thống và khu vực xa bờ trên thềm lục địa Việt Nam. Tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu (dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, các dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1...). Tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém: Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.

Bảy là, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ, có giải pháp khả thi để sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển ngành dầu khí để thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng và nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài.

Tám là, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, tâm huyết cho những lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Đối với những kiến nghị của PVN, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.