Phó Thủ tướng: Kinh tế số chỉ đang bắt đầu

Q.Huy

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, chuyển đổi số và kinh tế số mới đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác

Ngày 15/4, Diễn đàn Kinh tế TPHCM với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai" chính thức được tổ chức sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. 

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhìn nhận, chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam. Diễn đàn kinh tế TPHCM lấy chủ đề này làm trọng tâm là một sáng kiến hay và thiết thực.

"Qua đại dịch Covid-19, thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể. Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Kinh tế số chỉ đang bắt đầu - 1

Chủ tịch UBND TPHCM trao đổi với bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (Ảnh: Q.H.).

Không thể làm theo kiểu phong trào

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của khu vực, thành công về chuyển đổi số, kinh tế số tại TPHCM sẽ tạo ra đóng góp lớn đối với thành công của cả nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, thành phố còn rất nhiều việc cần làm trước mắt và lâu dài.

Trong số 5 nhiệm vụ trọng tâm TPHCM cần kiên quyết thực hiện để đi tới thành công, Phó Thủ tướng đề cập tới việc, địa phương này tuyệt đối không thể triển khai chuyển đổi số theo kiểu phong trào. Bởi, ngoài việc kém hiệu quả, tình trạng này còn dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Phó Thủ tướng: Kinh tế số chỉ đang bắt đầu - 2

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022 (Ảnh: Q.H.).

"TPHCM cần những kế hoạch chi tiết, khả thi để các bên liên quan tham gia chuyển đổi số, kinh tế số. Chính quyền là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung", ông Lê Minh Khái quán triệt.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc TPHCM đã mời được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín tham gia diễn đàn. Về phía còn lại, thành phố cần học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản và liên tục.

Địa phương cũng cần lưu ý, việc vận dụng các bài học vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và TPHCM, không thể áp dụng máy móc. 

Đối với những phần việc trước mắt, bên cạnh đầu tư hạ tầng số, TPHCM có thể làm điều ít tốn kém hơn là nâng cao nhận thức, trình độ kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức cần bắt đầu từ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề rất quan trọng khi tham gia Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là đảm bảo an toàn an ninh mạng. Trong bối cảnh nguy cơ tấn công mạng trong nước, quốc tế đang ở mức rất cao, việc đảm bảo an ninh phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và thích ứng linh hoạt.

Những bài toán TPHCM cần tìm lời giải

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ, tại nơi diễn đàn được tổ chức, chỉ mấy tháng trước, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ, gãy đổ nền kinh tế, sinh hoạt đời sống xã hội. Các chỉ số sụt giảm chưa từng có của nền kinh tế TPHCM đã minh chứng rõ điều đó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, công nghệ số đã trở thành công cụ quan trọng cho công tác phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất. Hiệu quả của chuyển đổi số ngày càng rõ nét qua quãng thời gian này.

Phó Thủ tướng: Kinh tế số chỉ đang bắt đầu - 3

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, chuyển đổi số đã bộc lộ hiệu quả trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 (Ảnh: Q.H.).

Qua diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022, lãnh đạo thành phố bày tỏ mong muốn được trao đổi và nhận được những góp ý của chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước về 4 điểm chính phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Trong đó, thành phố muốn đi tìm lời giải cho những mục tiêu lớn đề ra đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, TPHCM phấn đấu trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, kinh tế số đóng góp 25% GRDP.

Năm 2030, thành phố sẽ vươn tầm thành trung tâm của nhiều lĩnh vực tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, kinh tế số cần đóng góp 40% GRDP.

Ngoài ra, TPHCM cần có những chính sách, biện pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có. Những phần việc cụ thể thành phố phải thực hiện là đi thẳng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, thực hiện chuyển đổi số ưu tiên lĩnh vực người dân, doanh nghiệp có nhu cầu cao.

Ông Phan Văn Mãi nêu rõ, công cuộc chuyển đổi số của TPHCM đang đứng trước động lực và trở lực đan xen, đến từ đặc điểm hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300 ngàn hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Cụ thể, việc chuyển đổi số sẽ hình thành nên bộ phận đáp ứng yêu cầu và nhân lực dôi dư do không thể đáp ứng.

Do đó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng đối với việc tạo ra chính sách để doanh nghiệp thấy được lợi ích, vượt qua thách thức, đồng thời giải quyết vấn đề xã hội phát sinh. Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, mối quan hệ giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp là trọng tâm của các chính sách cần hình thành trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.