Phó Thủ tướng: Khách du lịch không sang Việt Nam để ở khách sạn 5-6 sao

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đầu tư vào sân bay, đường cao tốc, vào văn hoá hay làm thị thực (visa) điện tử cũng là phục vụ du lịch chứ không chỉ là đầu tư vào khách sạn, vào các khu du lịch”.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, ngày 10/6, tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu tại diễn đàn “Du lịch miền Trung-Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu” trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017.

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đầu tư vào sân bay, đường cao tốc, vào văn hoá hay làm thị thực (visa) điện tử cũng là phục vụ du lịch chứ không chỉ là đầu tư vào khách sạn, vào các khu du lịch”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng chính là đầu tư vào du lịch (ảnh VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng chính là đầu tư vào du lịch (ảnh VGP)

Ông cũng nêu một số điểm cốt lõi làm nên đẳng cấp, thương hiệu của điểm đến, khu du lịch, đó là sự độc đáo, kết nối và khả năng huy động cộng đồng cùng làm du lịch.

“Chúng ta phải kết nối thực sự thì sẽ khắc phục được tình trạng có nhiều sản phẩm du lịch na ná nhau. Ở Quảng Nam có phong trào mỗi xã một sản phẩm, thì từng địa phương có lợi thế riêng về tự nhiên, văn hoá, xã hội cũng phải tìm ra nét độc đáo”, Phó Thủ tướng gợi mở và phân tích thêm về đẳng cấp của một điểm đến, một khu du lịch không hẳn là những cơ sở lưu trú, khách sạn 5-6 sao mà phải tìm được những nét thật độc đáo của điểm đến đó.

“Đến một mức nào đấy, khách du lịch không sang Việt Nam để nằm ở khách sạn 5-6 sao mà họ muốn tìm những thứ rất độc đáo không có ở nơi khác. Và khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ngoài lợi thế tự nhiên, có rất nhiều nét văn hoá độc đáo. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra và kết nối, bổ trợ cho nhau thành những sản phẩm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu”, Phó Thủ tướng nhận xét và đề cập đến vai trò cộng đồng làm du lịch từ kinh nghiệm thành công từ Hội An.

Ông lưu ý, “cộng đồng làm du lịch thì đầu tiên là đời sống của người dân được cải thiện, đó là cái được lớn nhất. Và vì thế chúng ta phải tháo bỏ tất cả những vướng mắc hiện nay đang hạn chế du lịch cộng đồng. Đây chính là giá trị độc đáo của từng điểm đến. Để có được Hội An ngày hôm nay không phải một lúc làm được”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những người trực tiếp làm du lịch từ hướng dẫn viên đến phục vụ khách sạn, lễ tân… góp phần quyết định đẳng cấp của một điểm đến, một cơ sở lưu trú.

“Đương nhiên chúng ta cần có những thay đổi để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, ngoại ngữ tốt nhưng cũng có những thứ rất đơn giản như thái độ phục vụ tôn trọng người khác, tác phong nhanh nhẹn, sạch sẽ đem lại cho du khách cảm giác ấm áp, được chăm sóc thực sự thay vì chỉ cần xây khách sạn to đẹp, hoành tráng”, Phó Thủ tướng trao đổi.

Về lâu dài, theo ông, cần đổi mới hoạt động đào tạo nhân lực du lịch theo hướng linh hoạt gắn doanh nghiệp và nhà trường, “vừa học, vừa làm”. Kể cả một người làm quản lý lễ tân, quản lý buồng, phòng nếu có kinh nghiệm hoàn toàn có thể được mời giảng dạy.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý vai trò quan trọng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong tham gia xây dựng thương hiệu, đẳng cấp của du lịch Việt Nam từ chấm sao, xếp hạng khách sạn, cấp chứng chỉ hành nghề du lịch đến xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng, chính quyền địa phương…

“Tôi rất tin du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên thời gian tới sẽ có bước tiến bộ nếu chúng ta huy động được cộng đồng, mỗi nơi tìm điểm độc đáo của mình và cùng nhau kết nối lại”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Bích Diệp (ghi)