1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thủ tướng: Chỉ 6% vốn ngoại ở Việt Nam dùng công nghệ Mỹ, EU

(Dân trí) - "Số lượng dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và Châu Âu còn thấp (6%), chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó xuất xứ từ Trung Quốc là 30 đến 40%", khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới đây.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có bài viết khái quát về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời kỳ mới sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50 về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Phó Thủ tướng: Chỉ 6% vốn ngoại ở Việt Nam dùng công nghệ Mỹ, EU - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng nhanh, đến nay đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong GDP tăng từ 2,1% năm 1989 lên khoảng 20% năm 2018; xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, gấp hơn 4 lần so với năm 1988. Đầu tư nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng nêu hạn chế việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh.

Đơn cử như chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ngoại còn hạn chế. Các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu, thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Thủ tướng, số lượng dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và Châu Âu còn thấp (6%), chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó xuất xứ từ Trung Quốc là 30 đến 40%. Rất ít doanh nghiệp ĐTNN thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển hoặc tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài cũng đang tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và vùng có điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước chưa chặt chẽ.

"Số hợp đồng chuyển giao công nghệ còn thấp (mới có khoảng 1.000 hợp đồng). Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, bình quân 20-25%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực'', Phó Thủ tướng khái quát.

Theo Phó Thủ tướng, vốn đầu tư nước ngoài hiện phát sinh những vấn đề tiêu cực. Hiện tượng chuyển giá gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, có hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài không có năng lực tài chính, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có“vốn mỏng” đầu tư vào Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách để định hướng thu hút FDI thời gian tới trong đó nhấn mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư. Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

"Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu.

"Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm