Phó chủ tịch HĐQT FPT nói gì về lý do bán cổ phiếu
Nhà đầu tư (NĐT) chiến lược tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ FPT là Texas Pacific Group đã bán ra một khối lượng rất lớn cổ phiếu khiến cho giá của FPT trên thị trường liên tục sụt giảm. Trùng với thời điểm đó, Phó chủ tịch HĐQT FPT - ông Hoàng Minh Châu, cũng công bố bán ra hơn 200.000 CP.
Điều gì đứng đằng sau những động thái này, báo chí đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Minh Châu - người đã đăng ký bán CP vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất.
Thưa ông, kể từ khi FPT lên sàn cho đến nay, chưa bao giờ NĐT nước ngoài lại có động thái bán ồ ạt CP FPT mà họ đang nắm giữ kể cả ở thời điểm giá FPT lên tới 680.000 đồng/CP. Giờ đây thì họ lại bán ra rất nhiều, ông có nhận xét gì về động thái này?
Chúng tôi không biết động cơ gì khiến họ bán ra nhiều như thế. TTCK đối với Việt Nam là quá mới, vì thế chúng ta cần thêm thời gian để học và trải nghiệm nhiều hơn nữa mới có thể đánh giá được hành vi mua và bán của các NĐT quốc tế.
Sau khi FPT công bố lợi nhuận 6 tháng cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2006, giá CP FPT lại tiếp tục tụt dốc và đã thấp hơn so với ngày đầu tiên nhập sàn TPHCM. Ngoài lý do tình hình chung của thị trường, phải chăng còn có lý do nào khác?
Lý do chính có lẽ là do các NĐT nước ngoài bán ra nhiều. Giá cả trên TTCK luôn phản ánh chính xác quy luật cung cầu, nhiều người bán thì giá sẽ giảm thôi.
Ông có nghĩ rằng có lý do xuất phát từ việc FPT nhảy sang cả những lĩnh vực mà FPT không có nhiều kinh nghiệm như ngân hàng, chứng khoán, xa rời thế mạnh truyền thống của mình là CNTT?
Những lĩnh vực mới FPT tham gia đều là những lĩnh vực mà CNTT chính là động lực quan trọng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, năng suất lao động và trình độ quản lý, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức.
Thực chất bí quyết thành công của FPT không phải là trình độ công nghệ mà là khả năng tập hợp những người giỏi biết sử dụng công nghệ như một công cụ để thành công.
Trong FPT, có những người tin rằng họ sẽ thành công trong lĩnh vực mới, hoặc những người từ bên ngoài đang là chuyên gia trong lĩnh vực đó xin gia nhập, thì tại sao lại không để họ làm? FPT có thể là một cái tên mới trong những lĩnh vực này, nhưng nhìn vào đội ngũ của những công ty mới này thì không thấy thua kém tí nào so với các "đại gia" đang có mặt trên thị trường.
Trong bối cảnh giá CP FPT giảm mạnh, NĐT nước ngoài thì bán ra ồ ạt, cá nhân ông là Phó chủ tịch HĐQT lại công bố bán tới hơn 200.000 CP. Ông có thể nói gì về điều này?
Khi tôi đăng ký bán với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì giá CP FPT đang bình thường. Sau thời hạn 10 ngày làm việc (tương đương với hai tuần) thì tôi mới có quyền thực hiện giao dịch. Ngẫu nhiên đến thời điểm này giá CP của FPT đi xuống.
Vì thế tôi đã chủ động không thực hiện giao dịch, mặc dù nếu có giao dịch thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thị trường vì tôi dự kiến thực hiện giao dịch theo phương pháp thỏa thuận cho người thân.
Ông có thể cho biết, nhu cầu tài chính cá nhân gì mà lớn tới mức phải bán một lượng CP lớn như vậy (trị giá khoảng 60 tỉ đồng)?
Tôi xuất thân từ gia đình công nhân, không ham mê thú ẩm thực, không mặc đồ hiệu, không ăn chơi hoang tàng... nên nhu cầu tài chính của tôi chỉ ở mức trung bình. Khi đăng ký mục đích bán CP, tôi ghi là "mục đích cá nhân", không hiểu sao lại thành "chi tiêu cá nhân".
Mục đích cá nhân ở đây chỉ có nghĩa không phải là mục đích tập thể thôi, chứ chi tiêu thì làm sao hết được số tiền đó. Một phần lớn số tiền tôi sử dụng để trả nợ. Một phần tiền nữa, tôi sử dụng để đóng góp cổ phần trong hai lĩnh vực mới mà FPT tham gia là ngân hàng và chứng khoán với tư cách là cổ đông sáng lập. Phần còn lại tôi sử dụng để hiện thực hóa một số ước mơ của bản thân.
Ngoài ra, số CP tôi dự kiến bán chỉ chiếm 7% số bản thân đang sở hữu, còn xa mới tới mức quy định của UBCK là 50%.
Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên