Phi lợi nhuận Vinmec và Vinschool: Hướng tới nền giáo dục, y tế đỉnh cao
Ngày 27/9, Vingroup bất ngờ tuyên bố chuyển Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết sử dụng 100% lợi nhuận thu được từ hai đơn vị này cho việc tái đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trao học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học…
Vì sao Vingroup lại sẵn lòng dành tặng cho xã hội “hai con gà đẻ trứng vàng”? Nội dung trao đổi với ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sẽ làm rõ việc này.
Viện phí, học phí vẫn theo cơ chế thị trường
Ông có thể cho biết vì sao Vingroup quyết định chuyển đổi hai hệ thống đang “ăn nên làm ra” là Vimec, Vinschool thành mô hình phi lợi nhuận?
Đúng là Vinmec, Vinschool đang là những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực y tế và giáo dục của Việt Nam. Các cơ sở kinh doanh sau 3-4 năm đầu tư đều đã có lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng càng ngày càng hấp dẫn, có tính bền vững cao. Hiện tại, cả hai thương hiệu này đều được các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, bày tỏ mong muốn được tham gia góp vốn dài hạn.
Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn hệ thống y tế và giáo dục của Vingroup có những bước phát triển vượt bậc, được sự quan tâm hợp tác, đồng hành và hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế; qua đó, cộng đồng có thể nhanh chóng tiếp cận được các dịch vụ y tế và giáo dục theo tiêu chuẩn cao của thế giới. Mà trong y tế và giáo dục, để đạt được đỉnh cao trong ngành và phát triển bền vững thì chỉ có mô hình phi lợi nhuận với hoạt động minh bạch, bài bản và hiệu quả là đáp ứng được nhu cầu này.
Cụ thể là sau khi hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, Vinmec, Vinschool có sẽ giảm giá học phí, dịch vụ thế nào, thưa ông?
Mô hình phi lợi nhuận và mô hình miễn phí hoàn toàn khác nhau. Theo mô hình này mọi hoạt động kinh doanh, vận hành của Vinmec và Vinschool vẫn sẽ diễn ra như bình thường, mức giá không có thay đổi so với hiện nay, các chế độ khác cũng vậy. Trong tương lai có thể có điều chỉnh nhưng cũng vẫn trên nguyên tắc cơ chế thị trường.
Vậy thì tôi chưa rõ xã hội được hưởng lợi gì từ quyết định này?
Theo luật, Doanh nghiệp phi lợi nhuận chỉ cần dùng trên 51% lợi nhuận thu được để nghiên cứu, phát triển, đầu tư… chứ không phải là miễn phí cho người sử dụng dịch vụ. Riêng Vingroup thì khác. Chúng tôi thậm chí cam kết sẽ dành toàn bộ 100% lợi nhuận của hai công ty này cho các hoạt động nêu trên. Như vậy, xã hội có thêm một nguồn lực để đầu tư chiều sâu, phát triển hệ thống y tế, giáo dục
Người bệnh và học sinh, sinh viên sẽ được ưu đãi như thế nào từ mô hình này, thưa ông?
Với việc chuyển sang mô hình phi lợi nhuận, chúng tôi hy vọng là người bệnh của Vinmec sẽ được các Giáo sư, Bác sỹ hàng đầu Thế giới và Việt Nam khám chữa bệnh bằng những trang thiết bị hiện đại nhất Thế giới. Sinh viên, học sinh của hệ thống giáo dục Vinschool, VinUniversity sẽ được tiếp cận với các chương trình giáo dục tiên tiến, hữu ích và được giảng dạy bởi các chuyên gia giỏi.
Vinmec, Vinschool sẽ thu hút chất xám hơn
Căn cứ nào để Vingroup tin tưởng vào sự thay đổi về chất của Vinmec và Vinschool sau khi chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận?
Mô hình phi lợi nhuận sẽ tối đa hóa khả năng thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển đột phá và bền vững. Chúng tôi đã tìm hiểu các mô hình phát triển y tế, giáo dục danh tiếng trên thế giới như Harvard hay Mayo Clinic thì thấy rằng chỉ khi chuyển sang mô hình phi lợi nhuân, y tế và giáo dục mới có khả năng nhanh chóng thu hút sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để phát triển chuyên môn, đào tạo nhân lực, đầu tư chiều sâu cho công nghệ và cơ sở vật chất. Nhân sự đẳng cấp, trí tuệ của nhân loại là điều kiện tiên quyết để phát triển đỉnh cao, vì vậy chúng tôi quyết định hy sinh lợi ích vật chất của mình.
Ngoài ra chúng tôi cũng cho rằng đất nước của chúng ta cũng đã đến lúc phải có những doanh nghiệp phi lợi nhuận đẳng cấp, đó cũng là một cách để khẳng định vị thế của Việt nam trên trường Quốc tế.
Như vậy, chiến lược và kế hoạch hoạt động của Vinmec và Vinschool sau chuyển đổi có gì thay đổi không, thưa ông?
Chúng tôi đã điều chỉnh chiến lược và kế hoạch của Vinmec, Vinschool theo hướng phát triển nhanh hơn và hướng đến những tiêu chuẩn đỉnh cao hơn, thu hút chất xám trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ đầu tư mạnh mẽ vào hướng này, trong giai đoạn trước mắt là nhận chuyển giao các công nghệ đã thành công trên thế giới về ứng dụng ở Việt Nam, song song sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu tiếp. Ví dụ như Vinmec đã quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu y học tái tạo, là nơi nghiên cứu các vấn đề về gen và tế bào gốc để có các ứng dụng vào chữa các bệnh nan y như ung thư, tiểu đường, tự kỷ và chống lão hóa.
Khi chuyển đổi thành mô hình phi lợi nhuận, vai trò của Vingroup trong hệ thống này thay đổi thế nào?
Vingroup vẫn là chủ sở hữu của Vinmec, Vinschool và vẫn phải chịu trách nhiệm quản trị, lãnh đạo các hệ thống này. Ngoài cổ đông là Vingroup chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ chịu sự giám sát của xã hội theo luật định. Chúng tôi sẽ mời kiểm toán định kỳ và công khai mọi khoản thu chi để mọi người có thể tiếp cận, nghiên cứu các thông tin này.
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động này ảnh hưởng thế nào đến Vingroup nói chung và chiến lược phát triển của Vingroup?
Việc này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến Vingroup về giá trị tài sản, tuy nhiên không ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Tập đoàn. Vinmec và Vinschool không thay đổi về ngành nghề mà chỉ thay đổi mô hình hoạt động do đó, Vingroup vẫn giữ được chiến lược “hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ” đồng bộ, toàn diện. Vingroup vẫn sẽ tiếp tục tham gia điều hành để hai hệ thống này hoạt động hiệu quả và bền vững.
Liệu trong tương lai khi có các đối tác khác muốn tham gia Vingroup có chuyển giao không?
Về việc chuyển giao, không ai muốn mua lại Công ty phi lợi nhuận nhưng nếu có các nhà hảo tâm muốn đóng góp cho Vinmec, Vinschool mà phù hợp với tôn chỉ mục đích của hai doanh nghiệp này thì chúng tôi sẵn sàng chào đón.
Xin cảm ơn ông!