Phê duyệt ồ ạt, Bình Dương phải mất hàng chục năm mới bố trí đủ vốn đầu tư

(Dân trí) - Kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính về công tác quản lý, sử dùng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh Bình Dương mới ban hành gần đây lộ ra nhiều vấn đề bất cập, đáng lo ngại.

Cho rằng UBND tỉnh Bình Dương cần chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc phân bổ, bố trí kế hoạch vốn không đúng quy định, cơ quan Thanh tra nêu rõ, Bình Dương đã phân bổ kế hoạch vốn năm 2015 cho 10 danh mục không đúng danh mục chi đầu tư xây dựng cơ bản số tiền xấp xỉ 120 tỷ đồng, phân bổ kế hoạch vốn đầu năm năm 2015 chưa giao cho từng danh mục dự án số tiền 210 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị tỉnh cần thực hiện phê duyệt dự án đầu tư đảm bảo khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương, tránh tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư dẫn tới vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn.

Bình Dương là một trong địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nhất cả nước, nhưng việc phê duyệt dự án ở đây đang bộc lộ nhiều vấn đề
Bình Dương là một trong địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nhất cả nước, nhưng việc phê duyệt dự án ở đây đang bộc lộ nhiều vấn đề

Quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện ra tình trạng bố trí kế hoạch vốn chưa đảm bảo đủ để thanh toán khối lượng đã hoàn thành, bố trí kế hoạch vốn vượt quá thời gian theo chế độ quy định. Cụ thể, năm 2015 và 2016, UBND tỉnh Bình Dương và UBND các huyện, thị xã chưa bố trí kế hoạch vốn cho các dự án, còn nợ giá trị khối lượng hoàn thành số tiền 108,3 tỷ đồng; bố trí kế hoạch vốn cho 52 dự án quá thời gian quy định. Thế nhưng, trong khi đó vẫn tiếp tục bố trí vốn cho 328 dự án khởi công mới với số tiền 2.033,7 tỷ đồng.

Địa phương này còn bổ sung danh mục đầu tư 13 công trình trường học (mầm non, tiểu học, trung học phổ thông) không có trong danh mục đầu tư từ nguồn cân đối ngân sách đầu năm 2015 với số vốn gần 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước tình trạng phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư không đúng quy định đối với 49 dự án đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư số tiền 2.812,5 tỷ đồng gây khó khăn cho việc cân đối vốn đầu tư, dẫn đến phải kéo giãn thời gian bố trí vốn đầu tư gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính đặt ra yêu cầu Bình Dương phải nâng cao chất lượng lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.

Cụ thể, năm 2015, tỉnh điều chỉnh dự án đầu tư không đúng quy định tại 10 dự án, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng 650,3 tỷ đồng. Các dự án được điều chỉnh bởi 3 nguyên nhân chủ yếu là thay đổi quy mô, chậm tiến độ và bố trí vốn kéo dài dẫn đến trượt giá vật liệu. Ngoài ra còn do năng lực tư vấn thiết kế lập dự án và năng lực chủ đầu tư còn hạn chế...

Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án không chặt chẽ, triển khai chậm đã dẫn đến có 39 dự án phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 2.162,2 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận của đoàn thanh tra, đến tháng 6/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt 242 danh mục công trình, dự án sử dụng vốn trong nước. Tổng mức đầu tư 47.086,6 tỷ đồng trong khi tổng vốn đã được bố trí đến năm 2016 là 14.753,9 tỷ đồng, còn thiếu 32.332,6 tỷ đồng để bố trí hoàn thành dự án.

“Nếu số vốn hàng năm bố trí các dự án do tỉnh quản lý 3.000 tỷ đồng như năm 2015 thì cần 10 năm tiếp theo mới bố trí đủ vốn cho 242 danh mục đã phê duyệt, chưa kể các dự án cấp bách khác phát sinh”, cơ quan Thanh tra nhận định.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, tổng mức đầu tư 9.098,9 tỷ đồng (trong đó vốn ODA là 7.567,9 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước là 1.509,8 tỷ đồng). Tổng vốn đã bố trí đến năm 2016 là 1.887,2 tỷ đồng (vốn ODA là 1.388,8 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước là 498,4 tỷ đồng). Số vốn còn thiếu đến hết năm 2018 là 7.211,7 tỷ đồng.

Như vậy, nếu số vốn hàng năm bố trí (trong nước) và huy động ODA như năm 2015 là 339,3 tỷ đồng thì cần đến 20 năm tiếp theo (cho cả ODA) và tính riêng vốn trong nước cần 12 năm tiếp theo mới bố trí đủ cho các dự án đã phê duyệt.

Bích Diệp