1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phát triển nhà ở xã hội: Phân biệt giàu - nghèo vô hình chung sẽ tạo nên các "khu ổ chuột"

(Dân trí) - “Không được bỏ qua các yếu tố xã hội khi phát triển nhà ở. Đừng cho rằng, cứ phát triển các khu nhà ở xã hội chỉ dành cho những người nghèo. Như thế có thể vô hình chung sẽ tạo nên các "khu ổ chuột" kiểu mới", một chuyên gia phát biểu khi thảo luận tại diễn đàn về nhà ở xã hội trong khuôn khổ IREC 2018.

Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị.
Các chuyên gia thảo luận tại hội nghị.

“Đói” vốn trong phát triển nhà ở xã hội

Tại Hội nghị Bất động sản quốc tế - IREC 2018 chiều 6/9, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, việc giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có thu nhập thấp hiện được Chính phủ rất quan tâm.

Tuy nhiên với một quốc gia có 96 triệu dân, 37,5% tốc độ đô thị hóa, làm sao để có quỹ nhà ở giá rẻ phù hợp với đối tượng thu nhập thấp là câu hỏi được đặt ra.

Ông Ninh cho hay, trong thời gian khoảng 20 năm vừa qua, tốc độ phát triển nhà ở diễn ra rất nhanh chóng nhưng trong đó, nhà ở thương mại chiếm chủ yếu. Trong khi đó, nhà ở xã hội tại đô thị hiện có 86 dự án đã được xây dựng, đang tiếp tục triển khai 134 dự án.

“Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam rất nhanh nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất là rất khó khăn, khu vực trung tâm hầu như không còn quỹ đất, ở xa trung tâm thì lại chưa có hệ thống hạ tầng kết nối nên khó khăn rất lớn”, ông Ninh nêu khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Một khó khăn lớn khác nữa được ông Ninh đề cập đó là về nguồn vốn. Nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư công chưa đáp ứng nên khó khăn. Nhu cầu là 1 triệu căn hộ nhưng mới đáp ứng được 30%. Nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.

Đồng quan điểm với ông Ninh, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K cũng cho rằng có rất nhiều thách thức trong việc phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam. Để giải quyết được bài toán này, ông Trân cho rằng cần 1 cơ chế để tất cả các bên khi tham gia vào thị trường này đều có lợi.

Dành quỹ đất nhất định cho người thu nhập thấp khi xây chung cư cao cấp

Cũng theo Nguyễn Vĩnh Trân, có rất nhiều người lao động đến các đô thị lớn để làm việc nhưng họ phải lựa chọn việc đi xa các khu trung tâm để sinh sống và con cái họ có thể sẽ không được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất.

Chính vì vậy, khi phát triển nhà ở, ông Trân nhấn mạnh đến sự gắn kết việc phát triển nhà và các cơ sở giáo dục.

“Không được bỏ qua các yếu tố xã hội khi phát triển nhà ở. Đừng cho rằng, cứ phát triển các khu nhà ở xã hội chỉ dành cho những người nghèo. Như thế có thể vô hình chung sẽ tạo nên các "khu ổ chuột" kiểu mới", ông Trân nói.

Do vậy, ông Trân cho rằng mỗi dự án nhà ở thương mại nên dành ra khoảng 10% để dành cho những người thu nhập thấp. Và ở đó không ai biết là ai giàu và ai nghèo, tránh tạo ra những bức tường phân biệt trong xã hội.

Ông Vichai Viratkapan - chuyên gia đến từ Thái Lan cũng cho rằng, ở trung tâm thành phố, có một số lô đất, nếu quyết định xây chung cư cao cấp sẽ phải dành một quỹ đất nhất định cho người thu nhập thấp.

"Khi chuẩn bị lô đất nào đó để xây dựng chung cư cao cấp thì phải chọn 1 lô đất ở gần ngay đó để có thể xây nhà cho những người thu nhập không cao", ông Vichai nêu ý kiến.

Trong khi đó, một chuyên gia nhà ở xã hội đến từ Hàn Quốc - ông Noh Jae Keuk cho rằng sẽ là sự thất bại của thị trường khi không đảm bảo được nhu cầu về nhà ở cho rất nhiều người. Rõ ràng là thị trường tự nó đã không điều chỉnh được và nếu chúng ta cứ để nó tự vận động thì những người nghèo không thể tiếp cận được nhà ở.

“Thị trường còn tồn tại nhiều vấn đề và Chính phủ các nước đã phải can thiệp để nhiều người có thể có được nhà ở. Hàn Quốc đã làm vậy và tôi cho rằng không trái với quy tắc thị trường”, vị này nêu.

Ông Noh Jae Keuk lấy dẫn chứng ở Hàn Quốc, họ có quỹ nhà ở và quỹ này có ngân sách từ Chính phủ. Ngoài ra, một phần quỹ cũng xuất phát từ sự tiết kiệm của người dân. Mỗi tháng, họ đóng góp một khoản tích cóp cho quỹ nhà ở, có thể là 100 USD hoặc nhiều hơn là 500 USD. Cũng có một số người thu nhập rất thấp, không thể đóng góp.

“Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, muốn mua nhà ở như vậy bắt buộc phải đóng cho quỹ nhà ở. Chúng tôi có cơ chế khuyến khích người dân tiết kiệm cho quỹ nhà ở. Như ở khu vực Seoul, quỹ nhà ở sẽ thông báo rộng rãi về chỉ tiêu và minh bạch để người dân an tâm tiết kiệm trong quỹ nhà ở đó”, ông Noh Jae Keuk nêu.

Nguyễn Khánh

Phát triển nhà ở xã hội: Phân biệt giàu - nghèo vô hình chung sẽ tạo nên các "khu ổ chuột" - 2