Tọa đàm "Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020":

Phát triển nguồn điện: Không sợ thiếu vốn, chỉ thiếu chính sách thu hút hấp dẫn

(Dân trí) - "Năm 2017, EVN sẽ không để thiếu điện cho miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung. Chúng tôi cũng đã thực hiện cân bằng cung cầu trong kế hoạch cung cấp điện năm 2017. Hiện nay chúng tôi cũng đang rà soát lại các chỉ tiêu để đảm bảo cân bằng, để đưa kế hoạch vận hành tối ưu", ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực khẳng định.


Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Không thiếu vốn đầu tư, chỉ thiếu chính sách đúng đắn để thu hút vốn

Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Không thiếu vốn đầu tư, chỉ thiếu chính sách đúng đắn để thu hút vốn

Trong những năm qua, nhờ có đầu tư lớn, liên tục và đa dạng từ nguồn vốn đầu tư nhà nước qua các Tập đoàn, lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí và nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, hệ thống nguồn điện Việt Nam đã không ngừng được phát triển, hiện đã đạt gần 39.000 MW, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân .

Tuy nhiên, trong 5 năm tới đây, khả năng đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và mức tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân cũng gia tăng rất mạnh, nhu cầu, khối lượng dự án đầu tư phát triển nguồn điện rất lớn là một thách thức lớn đòi hỏi một nguồn lực đầu tư khổng lồ và nguồn lực tài chính vô cùng lớn để thực hiện.

Trong buổi làm việc gần đây nhất (đầu tháng 10/2016), tại cuộc họp với các bộ ngành liên quan và EVN, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo đầu tư phát triển nguồn điện theo tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2030 nhu cầu nguồn điện tăng thêm là 95.852 MW (bình quân ~6.400MW/năm). Riêng giai đoạn 2016-2020, cần đưa vào vận hành 21.650MW (~4.330MW/năm). Trong đó EVN chỉ có thể đảm bảo khoảng 7.185MW (bằng 33,2%), còn lại gần 14.500MW (66,8%) do các doanh nghiệp khác đầu tư.

Việt Nam cần một nguồn vốn khổng lồ để thực hiện chương trình đầu tư này. Mặc dù nguồn lực tài chính chủ yếu vẫn phải vay nước ngoài, nhưng nhu cầu huy động vốn trong nước để đầu tư phát triển nguồn điện vẫn rất lớn. Đây thực sự là bài toán rất khó. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện đang có xu hướng gia tăng nhanh, ảnh hưởng lớn dến giá thành sản xuất điện.

Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm nay (15.11), Báo Dân trí tổ chức buổi Toạ đàm "Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020: Nguy cơ thiếu điện và giải pháp". Tham dự buổi toạ đàm có Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực.


Các diễn giả: Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực; Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tham gia toạ đàm.

Các diễn giả: Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực; Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tham gia toạ đàm.

Mời quý vị độc giả theo dõi buổi Toạ đàm:

Dân trí: Đầu tiên, tôi xin được mời ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục ĐTĐL cho biết, với tình hình nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên như hiện nay, trong 5 năm tới, hệ thống nguồn điện Việt Nam cần tăng thêm bao nhiêu MW...và tổng nhu cầu vốn đầu tư là bao nhiêu? Để có được số vốn đầu tư ấy, theo ông, việc huy động vốn phải thực hiện qua những kênh nào và đang có những khó khăn gì trong việc huy động nguồn vốn lớn như vậy?

Ông Đinh Thế Phúc: Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Với quy hoạch này, đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW. Tính ra phải có 1.800 MW là từ BOT, số còn lại phải giao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.

Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD. Tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD. Với số tiền này khi làm quy hoạch VII, các chuyên gia tính toán đủ để cung ứng điện trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc dự phòng thấp nên phải đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm. Để giảm đầu tư vào lưới điện, giảm rủi ro mất cân bằng cung cầu nhưng vẫn đòi hỏi ngành điện đầu tư đủ cho nhu cầu điện.

Dân trí: Thưa TS Trần Đình Thiên, hiện nay lãnh đạo Chính phủ luôn luôn có yêu cầu là đầu tư cho việc phát triển điện lực phải "đi trước một bước" để phát triển kinh tế. Theo ông, với tình hình khó khăn về huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn như Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nói, thì theo ông giải pháp sắp tới ở đây là gì?

Ông Trần Đình Thiên: Chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt như: Đầu tư rất lớn, khả năng cung ứng vốn ít và còn hàng loạt vấn đề khác đặc biệt là vấn đề môi trường và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, bàn đến vấn đề điện phải bàn đến vấn đề cung điện, nhưng cung như thế nào, cung cho cái gì? thiếu hay thừa, có vấn đề gì về ô nhiễm?... mà chỉ có 1 mình ông EVN đứng ra cáng đáng thì rất khó. Thiếu điện còn do dùng điện chứ không chỉ do cung cấp điện. Cho nên tôi cho rằng, cần phải thấy mức độ gay gắt của vấn đề để xét cả 2 chiều.

Giải pháp là gì? Đây là giải pháp chiến lược, phải làm chứ không cứ đuổi theo thì cạn kiệt hết. Trước tiên là phía tiêu dùng năng lượng, chúng ta duy trì một nền kinh tế tiêu tốn năng lượng, sử dụng năng lượng quá nhiều, cần phải thay đổi, chúng ta phải tái cơ cấu. Một nền kinh tế 30 năm đổi mới đưa ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng quá nhiều khiến phải gồng lên để cung ứng. Do đó, cần phải thay đổi tiếp cận, nền kinh tế này nên tính thế nào để tiêu dùng năng lượng. Cứ làm xi măng, làm thép, đủ các loại doanh nghiệp sử dụng năng lượng tốn kém? Tư duy đó phải thay đổi và phải là trọng tâm để thay đổi mô hình tăng trưởng nếu không thì không trời đất nào chịu được.

Bàn về tăng trưởng GDP với tiêu dùng năng lượng. Tỷ lệ không có giả định thay đổi, cứ tăng trưởng GDP 1 thì năng lượng 1,8. Không chỉ GDP ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng mà còn là đô thị hoá, sự can dự của công nghệ. Việt Nam đô thị hoá tăng, du lịch tăng, khiến tiêu thụ tăng nhưng đi kèm là tiêu hao năng lượng. Do đó, cần có cải tiến về công nghệ.

Giá năng lượng cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng. Phải tính tới cân bằng năng lượng trên cơ sở giá điện, không nương theo dư luận xã hội. Nếu không tính tới lợi ích tổng thể, muốn nhiều điện lại muốn giá điện rẻ. Điểm này cũng quyết định có thu hút được vốn vào ngành điện hay không?


Quang cảnh buổi toạ đàm

Quang cảnh buổi toạ đàm

Dân trí: Xin được hỏi ông Franz Genner,Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ông có thể cho biết vài đánh giá về hệ thống nguồn điện Việt Nam hiện nay, khả năng đầu tư phát triển các dự án nguồn điện Việt Nam trong những năm tới và theo ông cái khó của Việt Nam phải đối mặt trong giải quyết vấn đề nguồn lực đầu tư trong những năm tới là gì?

Ông Franz Genner: Xin cám ơn vì đã mời tôi tới dự tham luận, đây là cơ hội để chúng tôi có những trao đổi. WB đã hỗ trợ cho ngành điện nhiều năm rồi. Đây là buổi toạ đàm kịp thời, quan trọng để cùng thảo luận những vấn đề liên quan tới nguồn cung điện và nguồn vốn cho ngành điện.

Về đầu tư vào ngành điện là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Mỗi năm Việt Nam cần 5 tỷ USD để truyền tải và phát điện, hi vọng thu hút được 70% từ tư nhân. Với giá điện hiện nay để thu hút được như vậy khá là khó. Trong quá khứ, nguồn đầu tư 1/3 dựa vào ODA. Với số lượng, mức độ phát triển như hiện nay chúng ta phải nghĩ tới hữu hạn từ vốn tài trợ, do đó, nguồn đầu tư 1/3 từ ODA cũng cần phải xem xét.

Về những vấn đề về bảng cân đối của EVN, bao gồm vốn, chênh lệch tỷ giá hối đoái… khiến EVN khó khăn hơn.

Về giải pháp như TS. Thiên đề cập, về phía cầu, tiêu thụ năng lượng là giải pháp rất quan trọng và ít tốn kém nhất để chúng ta có thể tránh được những đợt tăng giá điện mới. Theo như ước tính Việt Nam có thể tiết kiệm 10KW phát điện nếu đầu tư công nghệ vào những doanh nghiệp sử dụng điện. Về phía cung, trước đây, Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai nên phải nhập khẩu than. Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém.

Như vậy, điều này có liên quan tới biểu giá điện. Biểu giá điện hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư trong tương lai.

Dân trí: Thưa ông Phúc, Việt Nam có khả năng thiếu điện ở khu vực phía Nam trong các năm 2018-2019, vậy mức độ thiếu ở khu vực phía Nam đến đâu và Cục Điều tiết điện lực có các giải pháp gì để không xảy ra tình trạng thiếu điện như giai đoạn trước đây? Và xin hỏi ông Trần Đình Thiên, với nguy cơ xảy ra thiếu điện ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn tới nhất là TPHCM như vậy đặt ra vấn đề gì?

Ông Đinh Thế Phúc: Trong mấy năm rồi, độ dự phòng điện ở phía Nam rất thấp. Giải pháp của chúng tôi hiện nay là truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào cung ứng cho miền Nam. Khi làm quy hoạch điện VII, chúng tôi đã tính đến việc bổ sung thêm nguồn điện cho miền Nam. Trước có Trung tâm điện lực Phú Mỹ, và giờ đang hình thành Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam rất cao thì đòi hỏi các dự án đầu tư phải đảm bảo đúng tiến độ cam kết thì mới có thể giảm bớt chênh lệch, cân bằng nguồn cung cầu.

Với tình trạng như thế, Việt Nam có thiếu điện không? Đấy là cân bằng ở khu vực thôi. Giữa các miền có đường dây truyền tải hỗ trợ lẫn nhau để giảm việc thiếu điện ở khu vực. Hiện đường dây 500 KV giữa miền Trung và miền Nam đã có 3 mạch nên khả năng truyền tải lên đến 4.000 MW. Đấy còn chưa kể những đường dây 220KV đã liên kết giữa các vùng với nhau. Chính vì vậy, năm 2017, chúng tôi sẽ không để thiếu điện cho miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung. Chúng tôi cũng đã thực hiện cân bằng cung cầu trong kế hoạch cung cấp điện năm 2017. Hiện nay chúng tôi cũng đang rà soát lại các chỉ tiêu để đảm bảo cân bằng, để đưa kế hoạch vận hành tối ưu.

Tôi cũng nhất trí với ý kiến của TS. Trần Đình Thiên và ông Franz. Việc cung là như vậy, nhưng ở phía cầu, tôi mong muốn rằng mọi khách hàng sử dụng điện phải tiết kiệm, điều đó đảm bảo cân bằng cung cầu đỡ nặng hơn và nhu cầu đòi hỏi cung ứng thêm cũng sẽ giảm bớt đi. Điều này sẽ ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp sản xuất cũng như của các gia đình. Công nghệ phát triển cũng rất khác nhau, nhiều thiết bị tiết kiệm điện có thể sử dụng trong gia đình, doanh nghiệp cũng có nhiều công nghệ tiết kiệm hơn.

Ông Trần Đình Thiên: Theo logic chung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực có khả năng bùng nổ nhất trong nền kinh tế, hiện vẫn chiếm tới 50% GDP quốc gia, quyết định tới toàn nền kinh tế. Nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng của hội nhập, và tập trung ở phía Nam như cảng trung chuyển Thị Vải, sân bay Long Thành.. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện quá tải, phải giải toả sang Long Thành. Vùng phía Nam chính là trung tâm hội nhập của kinh tế Việt Nam. Khi bước vào giai đoạn hội nhập cao thì đây là khu vực phát triển, và phụ thuộc vào cung ứng điện. Hiện có nỗ lực tăng điện cho ĐBSCL, đặc biệt là nhiệt điện than.

Thứ hai, chọn như vậy thì nhà đầu tư có đầu tư không. Công nghệ thấp nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán. Công nghệ thấp là rủi ro trong tương lai. Muốn nhà đầu tư tốt, chi phí cao hơn thì phải tính tới giá điện tốt. Hiện giá điện đang ở tính lưỡng nan, giá điện cao là cả xã hội phản ứng rất mạnh…

Nếu giá điện không được cải thiện thì không ai đầu tư cả. Những người tiêu dùng điện nhiều sẽ đầu tư vào. Người làm công nghệ thấp, tiêu dùng điện năng không hiệu quả để đầu tư vào.. dẫn đến đất nước phải trả giá cho nền kinh tế dựa trên công nghệ thấp. Trong khi giá cao một chút buộc người sản xuất, người tiêu dùng phải tiết kiệm. Giá cao khiến họ phải thay đổi công nghệ và cũng khiến nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào ngành điện.

Mỗi năm cần 6-8 tỷ USD đầu tư, giá thấp thì khó khiến nhà đầu tư tham gia cuộc chơi này. Do đó, tái cơ cấu nhất thiết phải đặt ra, yêu cầu doanh nghiệp cải thiện công nghệ.


Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Nếu giá điện không được cải thiện, sẽ không ai đầu tư cả

Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Nếu giá điện không được cải thiện, sẽ không ai đầu tư cả

Dân trí: Trong điều chỉnh điện VII, tỷ trọng điện giá thành cao tăng lên tới 60% và giảm xuống còn 55-57% giai đoạn tiếp theo trong khi tỷ trọng thuỷ điện và điện khí lại giảm xuống. Điều này có nguy hiểm gì không?

Ông Franz Genner: Về quy hoạch hệ thống điện, Việt Nam không phải là nước kém so với các nước cùng trình độ phát triển. Theo dự báo, về việc thiếu điện đến năm 2018, chúng ta đã nhìn nhận được nguy cơ thiếu điện trong tương lai. Thách thức ở đây là nhu cầu điện cần tăng 10%/năm và cần tăng công suất điện, và phải phát triển thêm nguồn nhiệt điện. Thách thức nữa là các nhà máy nhiệt điện phải dựa vào nguồn than nhập khẩu, một vấn đề nữa là phát triển nguồn điện năng lượng mặt trời, điều này rất quan trọng để Chính phủ và nhà đầu tư. Nếu không phát triển điện mặt trời thì có nghĩa là cần thêm than. Và điều này lại quay lại vấn đề về giá điện, chi phí giá điện.

Với giá 7,6 cent/KWh hiện nay, khó thu hút đầu tư vào giá điện. Ước tính giá điện 7,6 cent/KWh này đủ để đáp ứng chi phí vận hành, bảo trì của EVN.

Nếu quan tâm tới biểu giá điện đầy đủ, tới năm 2030 phải tăng giá điện thêm 40%. Nếu không làm điều đó thì cần sự trợ giúp rất nhiều từ nhà tài trợ, doanh nghiệp. Nếu không sẽ không đủ tài chính cho các dự án điện.

Chúng tôi đã có phân tích về việc tăng giá điện với hộ nghèo, vùng sâu và với biểu giá bậc thang, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ không phải là vấn đề nếu tăng giá điện. Và với các cơ quan phát triển, với những gia đình sử dụng hơn 10% để trả tiền điện. Chúng tôi dự kiến với mức tăng dự kiến thì hộ gia đình sẽ phải trả 4-5% thu nhập cho tiền điện. Như vậy, với ý kiến của TS Thiên và phân tích của chúng tôi thì để bền vững và lâu dài, việc tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người khó khăn nếu chúng ta kết hợp việc tính giá điện bậc thang và những hỗ trợ từ Chính phủ. Trên thực tế tác động của việc tăng giá điện không nhiều như chúng ta cảm thấy.

Tôi nghĩ rằng Chính phủ đặt ra vấn đề giảm sử dụng điện than mà thay vào là điện gió mặt trời. Tuy nhiên, những tổ chức như chúng tôi cần hỗ trợ cho Chính phủ vì điện gió, điện năng lượng mặt trời còn đắt đỏ. EVN và Chính phủ đã có hướng đi tốt và sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than.

Dân trí: Độc giả Nguyễn Hà Bình (Lý Nam Đế) hỏi có khả năng thiếu điện cao ở phía Nam. Vậy ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ra sao? Có xảy ra tình trạng cắt điện không báo trước hay không?

Ông Đinh Thế Phúc: Miền Nam có độ dự phòng thấp, miền Bắc và miền Trung thì cao hơn. Mấy năm qua và năm tới, cân đối của chúng tôi vẫn đảm bảo không thiếu điện toàn quốc. Miền Nam dự phòng thấp nhưng có nguồn dự phòng dồi dào từ miền Bắc và miền Trung.

Vừa qua có hộ dân mất điện là do cục bộ, quá tải, sự cố. Hiện nay có quy định để Sở Công Thương giám sát thời gian mất điện của khách hàng. Chỉ số yêu cầu công ty điện lực thống kê lại, số lần, giờ mất điện hàng tháng quý năm là bao nhiêu. Với nỗ lực đó thì số giờ mất điện giảm, năm sau thấp hơn năm trước 20%. Yêu cầu tới năm 2020 mỗi năm giảm 15%.

Chỉ số độ tin cậy tiếp cận điện đã được Doing Business của WB tăng liên tục. Với thời gian như vậy, đảm bảo điện tới năm 2017 nhìn chung không bị thiếu nhưng vẫn có thể mất cục bộ hoặc khi cắt điện sửa chữa thì có thể, nhưng phải thông báo trước 24 tiếng và tối đa trước 3 ngày.

Dân trí: Độc giả Vĩnh Nguyên (Long Biên): Thuỷ điện xả nước gây lũ, nhiệt điện ô nhiễm, điện hạt nhân thì dừng, vậy đầu tư vào đâu?

Ông Đinh Thế Phúc: Tất cả công nghệ, nguồn điện khi triển khai xây dựng đều có 2 mặt lợi hại. Nếu không làm gì thì không có điện nhưng không thể đánh đổi. Làm sao để đầu tư có điện nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường. Chúng ta phải nhìn lại phối hợp thực hiện, công nghệ xử lý môi trường như thế nào.

Nhìn lại thì rõ ràng, thuỷ điện thời gian qua đã nêu 2 mặt, gần đây có việc xả nước hoặc một vài nhà máy điện ở miền Trung. Ở Phú Yên cũng bị ngập lụt. Tuy nhiên, đúng nhà máy đó vào mùa khô ngay đầu 2016, đóng vai trò lớn, tích cực trong việc điều tiết nước cho hạ du như ở bình thuận, hồ thuỷ điện điều tiết theo nhu cầu, phải nhìn cả mặt tích cực.

Ở miền Bắc trước lũ lụt nhiều, giờ có hồ thuỷ điện cũng góp phần điều tiết. Tuy nhiên, mặt tiêu cực thì phải tìm mọi cách để hạn chế.

Ngoài ra, ý kiến phải đầu tư vào năng lượng sạch, về môi trường tốt hơn nhưng không phải không có ảnh hưởng gì. Điện gió có tiếng ồn, việc trồng cây bị hạn chế hơn. Điện mặt trời chiếm diện tích lớn, chưa kể giá thành cao. Để phát triển cần phải có cơ chế khuyến khích thì mới phát triển được.

Nhìn vào nguồn năng lượng nội địa, than khí thì gần như đã ở mức bão hoà. Than nội địa, giờ phải nhập vì khả năng than hết. Các nguồn khí, như mỏ khí ở Nam Trung Sơn.. cũng bắt đầu vào thời kì suy giảm. Nếu có làm thì phải tính tới nhập khí trừ khi mỏ cá voi xanh đi vào hoạt động.

Dân trí: WB có những nghiên cứu kĩ về giá điện, xin ông đánh giá về giá điện hiện nay, có phải giá điện Việt Nam so với các nước khác thế nào? Ở Việt Nam hiện thay vì tăng giá điện mà đẩy mạnh cổ phần hoá tại các dự án điện, rút vốn dự án hiệu quả kém thì có thể không cần tăng giá điện hay không?

Ông Franz Genner: Chắc chắn khi so với các nước trong khu vực và thế giới, giá điện Việt Nam khá là thấp, kể cả so với nước cùng trình độ phát triển trong khu vực. Việt Nam khai thác nguồn lực tốt từ nhiệt điện than, thuỷ điện, điện khí… Bởi vì trong tương lai, Việt Nam không đủ nguồn lực để phát triển nữa, sẽ phụ thuộc vào than nhập khẩu, năng lượng mới như điện gió mặt trời nên phải phụ thuộc vào việc phải điều chỉnh giá điện tăng lên.

Dân trí: Thưa TS Trần Đình Thên, thoái vốn cũng là ý kiến hay để thu hút thêm vốn đầu tư mà có thể kiềm chế tăng giá điện ở mức hợp lý?

Ông Trần Đình Thiên: Ở đây vẫn là 2 vấn đề cần giải quyết. Giá điện là chủ đề tranh cãi gắn với lợi ích xã hội, với tư duy chung, gắn với tiền lương. Vấn đề tiền lương đang có trục trặc lớn.

Thứ 2 với giá điện hợp lý thì người ta sẽ đầu tư không cần kêu gọi lòng yêu nước, nhân đạo.

Về ý cổ phần hoá, thoái vốn cũng là giải pháp. Nhà nước có thể bán bớt đi, dùng vốn đó để đầu tư vào dự án khác. Tuy nhiên phải có cam kết rõ ràng. Nguồn lực thoái vốn rồi. Công trình Nhà nước tôi cho rằng khả năng bán giá nào cũng được, nên đặt vấn đề này sớm. Tuy nhiên, câu chuyện vận hành, quản trị thế nào là câu chuyện độc lập. Đây là hướng tốt để có thêm vốn cho ngành điện.

PV VnEconomy: Giá điện luôn được phản ánh là thấp, không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều dự án điện do nhà đầu tư nước ngoài. Vậy giá hiện nay đủ hấp dẫn chưa?

Ông Đinh Thế Phúc: Về giá điện đủ hấp dẫn đầu tư không thì vừa nãy các chuyên gia đã nói rồi. Do đó, tôi không nói đến nữa.

Về ý thứ hai, các vấn đề phát triển thị trường, các nhà máy BOT có được tham gia không? Hiện có 3 BOT Phú Mỹ 3, 2, Mông Dương 2 đã đi vào vận hành và một số đã kí hợp đồng và đang triển khai xây dựng. Với nhà máy kí rồi thì giá điện và sản lượng điện đã kí ban đầu. Giá điện hiện theo quyết định 63, các nhà máy BOT đang đứng ngoài thị trường. Khi thị trường bán buôn thì sau này các dự án chưa kí hợp đồng thì sẽ đưa vào để các nhà máy tham gia thị trường. Các dự án đã kí rồi thì khó thay đổi.

Với quy định hiện nay, tham gia không bắt buộc nhưng không phải không cho họ tham gia mà họ có thể tham gia tự nguyện.

Ông Trần Đình Thiên: Trong một tổ hợp đầu tư lớn, nhà máy điện như một cấu phần, yêu cầu phải có nhà máy điện như Formosa phải làm 1 nhà máy điện, người ta nói điện còn dư (nhiệt thừa) thì giá cam kết như anh Phúc nói.

Thêm vào đó, điều kiện về môi trường còn nhẹ nhàng nên tôi đoán nhiều nhà máy kiểu như nhiệt điện than chi phí môi trường tương đối thấp, và là lợi thế cho nhà đầu tư. Hay nói cách khác ta đang trả cho nhà đầu tư chi phí này. Tương lai không thể đánh đổi, chi phí phải gánh 20-30% tổng chi phí. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, phải nâng chi phí môi trường lên. Ưu đãi vừa phải nhận công nghệ thấp, rồi nặng nề hậu quả về môi trường, đánh đổi lợi ích không bao nhiêu.

PV VOV: Quy hoạch điện VII xác định PVN, EVN, TKV là trụ cột chính để đảm bảo cung ứng điện. Tuy nhiên công suất chỉ đáp ứng 30%, 70% còn lại kêu gọi. Vậy có lo ngại về thiếu điện hay không vì nhiều nhà đầu tư BOT, nước ngoài từ bỏ và Việt Nam phải tiếp nhận lại 1 số dự án rồi?

Ông Đinh Thế Phúc: Trong tổng sơ đồ điện VII điều chính, phần IPP là nhà đầu tư bên ngoài, một vài có tên, 1 vài dự án chưa. Những dự án IPP đều có chủ đầu tư rồi. Các nhà máy này đã đi vào vận hành hoặc đang nghiệm thu,dự kiến những nhà máy đi vào 2016-2017 đã có chủ đầu tư.

Đúng là có dự án nhà đầu tư bỏ thì phải có cam kết. Chúng ta phải tính tới hợp đồng, cam kết phải có bảo lãnh, đặt cọc hoặc các hình thức bảo lãnh khác. Ngoài ra, còn nhiều dự án, phải xem xét đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư vào hay chưa. Nếu kêu gọi thì chỉ phần nào đó thôi, cần có chính sách hấp dẫn.

Ông Franz Genner: Như chị đề cập về thu hút nhà đầu tư, sắp tới có mục tiêu thu hút tư nhân và nếu không thu hút đc thì gánh nặng quay lại với EVN. Điều đó có nghĩa nhà đầu tư tư nhân cần có cam kết dài hạn, và để đc vậy thì cần biểu giá điện hấp dẫn. Ngoài độ hấp dẫn biểu giá điện, nhà đầu tư cũng cần đảm bảo từ phía CP. EVN tài chính ko đủ bền vững và như vậy thách thức rất lớn khi nhà đầu tư đầu tư vào bất kì nguồn năng lượng nào thì cũng đều cần bảo lãnh, đảm bảo từ phía Chính phủ. Đây là thách thức lớn trong tương lai. Và như vậy thì quay lại vấn đề mấu chốt là làm thế nào để EVN thành đơn vị bền vững về tài chính. Và lại trở lại vấn đề giá điện.

Ông Đinh Thế Phúc: Tôi xin bổ sung. Nguồn điện không nên quá tập trung vào EVN. Một trong số yêu cầu là chủ sở hữu k nắm quá 25% nguồn điện, đây là nguyên nhân giảm đầu tư trực tiếp của EVN. Do vậy, hiện ngoài những dự án chiến lược phải do eVN nắm giữ thì 1 số khác chuyển chủ sở hữu, có kế hoạch cổ phần hoá.

EVN còn nhiệm vụ quan trọng là trường hợp nhà đầu tư nào đó dừng thì evn phải đứng ra chịu. thực tế đã có dự án như vậy, nhà đầu tư không đủ sức, dự án cần thiết nên EVN phải đứng ra.

Phát triển nguồn điện: Không sợ thiếu vốn, chỉ thiếu chính sách thu hút hấp dẫn - 5

PV Công Thương: Những giải pháp đưa ra đều dài hạn nhưng vẫn cần nhà máy nhiệt điện than ở miền nam, đặc biệt là vùng duyên hải. Nếu áp dụng công nghệ hiện tại, thay đổi về giá cả thì vẫn phát triển được phải không? Một số nhà máy đang ngãng ra, phải chia sẻ trách nhiệm như thế nào? Khả năng tăng giá điện là có thể xảy ra, phải truyền thông thế nào?

Ông Trần Đình Thiên: Cách đây 1 tháng, đã có thảo luận về dự án thép. Một nhà khoa học công nghệ nói giờ chưa có vấn đề gì công nghệ không thể giải quyết. Thép cũng vậy, nhiệt điện cũng vậy chỉ có điều có sử dụng giải pháp kĩ thuật hay không.

Câu chuyện xung đột về môi trường, lợi ích tổng thể, lợi ích nhóm. Về mặt nguyên tắc là xử lý vấn đề lợi ích. Tôi nghe có chuyện nhà máy nhiệt điện đi kiểm tra lắp bộ lọc vào, bình thường thì bỏ ra. Đây là câu chuyện thái độ với môi trường như thế nào và tính nghiêm minh trong quản lý.

Thứ hai là điều kiện về ưu đãi môi trường cần phải tính lại, phải cân bằng lại, như cảng Trà Vinh, nếu không làm cảng than là có vấn đề với nhà máy nhiệt điện than. Buộc chúng ta phải nhìn nhận vấn đề, đây là cách đặt vấn đề đúng nhưng phải dài hạn nhưng không phải nhân thể đang khó mà bắt bí. Đây là vấn đề sòng phẳng.

Ngay từ bây giờ chúng ta phải tư duy lại về giá điện. Đây là cơ chế định giá. Cơ chế chúng ta có vấn đề, cứ nới lên nới lên. Câu chuyện là tiếp cận thị trường, cơ chế theo thị trường. Lương cũng thế chưa tăng đã lạc hậu rồi. Giá cả là hệ thống tương đối đồng bộ. Tiếp cận về giá phải theo giá bậc thang, theo thị trường, không thể phản ứng theo dân tuý, thấy phản đối là nhấp nhổm

PV: Tôi đồng ý về giải pháp đầu tư cho doanh nghiệp nhưng cái khó là về vốn. Có nên đưa tiết kiệm năng lượng vào mục tiêu quốc gia không?

Ông Trần Đình Thiên: Chúng ta quá thiên về huy động mà bỏ qua phân bổ nguồn lực sao cho hiệu quả. Cơ bản nhất là cơ cấu kinh tế như thế nào theo hướng công nghệ cao, hiệu quả năng lượng. sau đó, bàn tới dự án điện như thế nào. Dự án hiệu quả không thì vốn như thế nào. Tôi không nghĩ vốn thiếu, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Không thiếu gì cả, chỉ thiếu chính sách tốt. Dự án điện giá như vậy không đảm bảo hiệu quả, không thể biện minh. Về quản trị cũng suy từ giá ra. Tiếp cận về vốn chính là câu chuyện về giá. Quan trọng lầ cơ chế chứ không phải lo chuyệ tăng giảm, cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh.

Ông Franz: Tôi xin bổ sung 1 số điểm. Việt Nam đang trong giai đoạn rất sớm về nhu cầu tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm hiện nay dựa trên cơ sở tự nguyện. Và như vậy các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng các biện pháp để đáp ứng chỉ tiêu nhất định nhưng thiếu sự bắt buộc để đảm bảo được chỉ tiêu đó.

Trên thế giới có biện pháp khuyến khích khác nhau. Như Trung Quốc, đầu tiên là khuyến khích sau là bắt buộc doanh nghiệp phải đạt được 1 mục tiêu nào đó, nếu đạt đc thì có chính sách khuyến khích và không dạt thì bị phạt. Cho nên tại Việt Nam đã đến lúc phải nâng chính sách tiết kiệm lên 1 bước mới, tăng cường giám sát cũng như biện pháp khuyến khích, thậm chí biện pháp trừng phạt nếu không đạt.

Kết luận toạ đàm:

Thưa quý vị, nhưng vậy, qua ý kiến trả lời, thảo luận của các vị khách mời hôm nay, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù còn có một số ý khác nhau nhưng ý kiến chung các vị khách mời đều thống nhất cho rằng, hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đất nước và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân rất lớn.

Để đạt được điều này, cần có cơ chế thu hút vốn đầu tư hấp dẫn, khả thi để huy động các nguồn vốn đầu tư trong vàn goài nước để xây dựng các nhà máy điện mới thực hiện chử trương "điện phải đi trc một bc" trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá điện đã lạc hậu trong khi chi phí sản xuất điện năng trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất: nhiệt điện, thuỷ điện...đều có xu hướng gia tăng mạnh.

Buổi toạ đàm đến đây kết thúc, xin trân trọng cảm ơn quý vị độc giả đã theo dõi và đặt câu hỏi, xin cảm ơn các vị khách mời.

Dân Trí