Phát 125.000 kW điện sản xuất từ rác
Công ty Môi trường Đô thị TPHCM vừa cơ bản hoàn thiện dây chuyền sản xuất điện năng từ rác thải ở bãi rác Gò Cát. Hơn 10 ngày qua, đơn vị đã vận hành 1 tổ máy trong tổ hợp 3 tổ máy phát điện ở đây và bán cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam 125.000 kW điện.
Ngày 30/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Đua đã đến thị sát công trình và đánh giá đây là một bước tiến rất quan trọng trong việc xử lý rác thải ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Biến rác thành điện
Chỉ huy trưởng công trường xử lý rác Gò Cát, anh Trần Ngươn Giáp cho biết, thời gian làm việc 24/24 ở đây là… bình thường, nhất là khi trạm phát điện từ khí gas thu ở các ô rác bắt đầu hoạt động. “Khí gas thoát ra liên tục nên phải có người trực vận hành máy để đưa gas vào sản xuất”, anh Giáp nói.
Thực ra ý tưởng xử lý rác thành điện đã được các cán bộ công nhân viên ngành môi trường thành phố ấp ủ từ gần 10 năm trước, thế nhưng cho đến nay mới trở thành hiện thực thông qua dự án nâng cấp công trường xử lý rác Gò Cát có tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng, trong đó 60% là tiền viện trợ của Chính phủ Hà Lan và 40% là vốn đối ứng của thành phố. Toàn bộ nội dung của dự án này có thể gói gọn trong mấy chữ: Chôn lấp rác hợp vệ sinh.
Ông Bùi Trọng Hiếu, Phó giám đốc Công ty Môi trường Đô thị giải thích, đó là chôn rác trong các ô có lót vật liệu chống thấm HDPE, một loại nhựa mật độ cao, có độ bền trên 50 năm. Khi rác đã được đổ đầy trong các ô này (mỗi ô âm sâu xuống lòng đất 7m và cao từ mặt đất trở lên khoảng 16 m) thì sẽ được đóng kín lại và ủ. Rác phân hủy trong ô sẽ tạo ra khí gas và lượng gas này sẽ được một hệ thống ống ngầm trong ô dẫn ra đến trạm thu gas.
Tại đây gas sẽ được xử lý tách nước lẫn trong gas ra. Gas sạch sẽ được nén lại và dẫn đến trạm điện để chạy động cơ phát điện. Phần nước tách ra từ gas sẽ được xử lý sạch và xả ra sông, kênh, rạch.
Do hiện nay bãi rác Gò Cát mới tiếp nhận khoảng 2,7 triệu tấn rác, đạt khoảng 2/3 khả năng tiếp nhận và mới chỉ có ô số 4, 5 đầy rác và được ủ nên lượng gas thu được chưa nhiều, chỉ khoảng 400Nm3/giờ. Lượng gas này hiện mới chỉ đủ để chạy khoảng 80% công suất của 1 máy phát công suất 750 kW. Hai chiếc máy còn lại công suất 750 kW và
20 kW sẽ lần lượt được đưa vào sử dụng vào giữa và cuối năm 2006 khi khí gas thu được ở Gò Cát đủ vận hành.
“Lợi nhuận thu được từ việc bán điện chưa nhiều bởi giá bán chỉ vào hơn 600 đồng/kW”, ông Hiếu cho biết như vậy, song điều lớn nhất mà thành phố thu được từ việc này là môi trường trong khu vực được cải thiện tốt hơn. Toàn bộ lượng rác được ủ kín sẽ hạn chế được mùi hôi và nước rỉ thoát ra bên ngoài. Rác sau khi phân hủy hoàn toàn, dự kiến trong vòng 12 - 15 năm, sẽ được dùng làm phân bón. Mặt bằng bãi rác Gò Cát có thể được thu hồi và sử dụng làm việc khác khi phân rác được chuyển đến các vùng nông nghiệp.
Sau Gò Cát sẽ là Phước Hiệp
Bãi rác Phước Hiệp ở huyện Củ Chi có diện tích khoảng 822 ha cũng sẽ được chôn lấp hợp vệ sinh, tương tự Gò Cát, đó là khẳng định của Công ty Môi trường Đô thị TPHCM.
Tuy nhiên, cũng có một chút khác biệt, đó là việc xử lý khí gas và sản xuất thành điện sẽ được xã hội hóa. Hiện không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà một số doanh nghiệp Nhật, Hà Lan, Canada… đã đặt vấn đề tham gia vào công việc này và Sở Tài nguyên - Môi trường, Công ty Môi trường Đô thị đang tiến hành đàm phán với các doanh nghiệp.
Kỹ sư Bùi Phúc Tường, Trạm trưởng Trạm điện Gò Cát nhận xét: Rác của thành phố chủ yếu là rác hữu cơ nên khí gas sinh ra rất nhiều. Vì vậy, việc dùng khí gas thoát ra từ rác để sản xuất điện là hướng ra có nhiều ưu điểm cho công nghệ chôn lấp rác hiện nay của thành phố.
Theo SGGP