Phập phồng với giá xăng
Thông tin về giá xăng tăng khá mạnh 1.950 đồng mỗi lít không khỏi khiến người tiêu dùng “lên ruột” trước mối lo ngại có thể tạo ra cú hích tăng giá mới trên thị trường.
Thực ra, trong một nền kinh tế thị trường, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng, dù là thiết yếu và nhạy cảm như xăng dầu, cũng là chuyện rất bình thường. Song, mỗi lần tới chu kỳ điều hành giá xăng dầu ở nước ta lại khiến dư luận bàn tán, đoán già đoán non mức độ điều chỉnh. Đó là thực tế kể từ khi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ tháng 11-2014 với quy định mỗi chu kỳ điều hành giá mặt hàng nhiên liệu là 15 ngày. Cứ sau 15 ngày, tới chu kỳ điều hành giá xăng dầu là dư luận lại phải phấp phỏng với giá cả mặt hàng này.
Sự quan tâm tới giá xăng dầu tại nước ta không hẳn chỉ bởi đây là mặt hàng nhiên liệu thiết yếu tới cả nền sản xuất và đời sống của người dân. Điều mà dư luận cũng như người tiêu dùng quan tâm nhất mỗi lần điều chỉnh giá xăng là tăng hay giảm như vậy đã hợp lý hay chưa, theo sát giá cả thế giới hay không, chứ không phải là tăng, giảm nhiều hay ít. Nói cách khác là giá xăng dầu vốn vẫn nằm trong tay doanh nghiệp giữ vai trò chi phối thị trường cả nước chưa tạo sự tin tưởng về tính minh bạch cho người tiêu dùng. Nói cách khác, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lo giá mặt hàng này trước hết là vì lợi ích của doanh nghiệp, chứ không phải của cả nền kinh tế và hàng chục triệu người tiêu dùng.
Mối quan tâm khác với giá xăng dầu là công tác quản lý và điều hành giá. Mỗi khi xăng dầu tăng giá, nhất là tăng mạnh như lần này, thường tạo ra hiệu ứng tâm lý tăng giá khiến nhiều mặt hàng khác “té nước theo mưa”. Trong khi đó, sau khi đã tăng giá với lý do “giá xăng dầu tăng”, mà điển hình là giá cước vận tải, thì giá cả các mặt hàng này lại chẳng chịu hạ tương ứng khi giá xăng dầu giảm. Sự “bó tay” của cơ quan quản lý như với giá cước vận tải thời gian qua đã đẩy người tiêu dùng ra “chịu trận” với mặt bằng giá cả mới.