Phản đối tăng chiết khấu, tài xế GrabBike nhận cuốc rồi nhờ khách hủy

(Dân trí) - Sau khi việc book (đặt chuyến) ảo gây ảnh hưởng nhiều tới những tài xế khác, các tài xế GrabBike lại sử dụng "chiêu" mới để tỏ ý phản đối ý định tăng chiết khấu của Grab.

Book ảo không hiệu quả, tài xế GrabBike chuyển hướng

Sau 2 – 3 ngày book ảo, tắt ứng dụng mà không hiệu quả, thậm chí khi không bật ứng dụng riêng dành cho tài xế mà chỉ bật ứng dụng đặt xe của khách hàng để book ảo, mà tài khoản của tài xế vẫn bị khóa.

Khóa tài khoản
Khóa tài khoản

Nhiều anh em tài xế đã nghĩ ra một cách mới, đó là, khách đặt vẫn chở nhưng tới nơi sẽ xin khách báo hủy cuốc để bày tỏ thái độ phản đối.

Anh V.M.B. – một tài xế GrabBike cho hay: “Bảo 10 người thì 10 người đều đồng ý, vì giá họ phải trả cũng bằng trong ứng dụng mà lại giúp anh em đấu tranh”.


Nhờ khách hủy cuốc để kiếm ngoài, cuốc gần thì cho khách leo cây

Nhờ khách hủy cuốc để kiếm ngoài, cuốc gần thì cho khách "leo cây"

“Tuy nhiên, những cuốc ngắn dưới 2 km thì tài xế sẽ để cho khách “leo cây”, nhận nhưng cứ treo đó không đi. Các tài xế làm như vậy là để khách ác cảm với Grab, nhiều lần như thế sẽ gọi lên tổng đài và ảnh hưởng tới Grab”, anh B. nói.

Trao đổi với một tài xế khác, anh N.T.Đ. cho biết: “Vẫn còn người book ảo, nhưng đa phần bị chặn IP, nếu trong máy ấy có tài khoản tài xế thì khóa luôn. Vì thế, nhiều tài xế chọn cách tắt ứng dụng, mặc đồ Grab và ra bắt ngoài, một số tài xế thì sang Uber vì đang có chương trình thưởng nhiều".

Uber chen chân, chào mời tài xế Grab

Cuộc đình công của các tài xế Grab hiện đang thu hút được sự quan tâm rất nhiều từ cộng đồng. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này chỉ là những lời kêu gọi tự phát qua hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, mà không có người đứng đầu.

Chính vì thế, các admin (người quản lý) các nhóm Facebook này dễ dàng chặn những bài viết mang tính đấu tranh tiêu cực của các tài xế. Do đó, tình trạng đấu tranh chỉ diễn ra trong đơn lẻ, mất liên lạc với nhau và dần dần tan rã.

Nhận thấy sự chán nản của tài xế Grab, phía đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Uber đã tung ra rất nhiều chương trình thưởng để lôi kéo thêm tài xế. Các khu vực có nhiều tài xế Grab đình công đứng với nhau đều có nhân viên của Uber đến quảng cáo tuyển người và hướng dẫn cụ thể cách tham gia.

Uber mời tài xế Grab
Uber mời tài xế Grab

Thậm chí, trong các nhóm GrabBike cũng có nhiều người của Uber vào quảng cáo, mời gọi các tài xế chuyển sang với ưu đãi như kiểu: “Uber hỗ trợ đối tác đang chạy “ứng dụng khác” nhưng chưa tham gia Uber 1 triệu đồng vào tài khoản ngay sau khi kích hoạt thành công và hoàn thành 50 chuyến với UberMoto”.

Ngoài ra, nếu giới thiệu bạn bè cũng đang chạy “ứng dụng khác” sang UberMoto thì người giới thiệu sẽ được 300.000 đồng nếu người được giới thiệu hoàn thành 25 chuyến.

Nhiều tài xế còn truyền tai nhau rằng, mang đồng phục Grab sang đổi sẽ được nhận đồng phục Uber mà không mất phí đồng phục là 400.000 đồng.

Mũ Uber, áo Grab
Mũ Uber, áo Grab

Hiện nay, đã có khá nhiều tài xế chuyển sang Uber hoặc chơi kiểu "đầu ông nọ mà áo ông kia", trên đội mũ Uber nhưng mặc áo Grab để có thể chạy cả 2 ứng dụng.

Chạy như vậy trong thời điểm này kiếm rất khá bởi giá cước cả 2 bên đang rất cao, Grab đang thiếu tài xế trầm trọng, giá GrabBike bị đẩy lên ngang ngửa giá GrabCar giờ cao điểm. Còn phía Uber thì ít tài xế, nên giá cước cũng đẩy lên, tài xế chưa bao giờ được chạy mệt nghỉ như vậy.

Xe ôm truyền thống tận dụng cơ hội kiếm thêm thu nhập

Anh Tâm là người thường xuyên chạy xe ôm truyền thống ở khu vực Trần Duy Hưng. Trong vài ngày gần đây, mức thu nhập của anh bỗng nhiên tăng vọt gấp đôi nhờ vụ đình công của các tài xế GrabBike.

Phấn khởi ra mặt, anh kể: “Bình thường 1 ngày chỉ được khoảng 300.000 đồng, nhưng mấy hôm nay, nhờ tài xế Grab đình công, khách hàng khá bực bội và phải đi kiếm xe ôm để đi".

“Tính sơ sơ một ngày cũng phải kiếm được gần 600.000 đồng, nếu chịu khó chạy giờ cao điểm, tối muộn chút thì còn khá nữa. Vì khách phàn nàn rằng khó bắt Grab – Uber thời điểm ấy, nhiều khi còn bị cho leo cây”, anh Tâm nói.

Không những vậy, anh Tâm còn cho biết, khách phàn nàn khá nhiều về giá cước: “Không chỉ khó bắt mà giá lại cao, có lúc lên tới 10.000 – 11.000 đồng/km, ngang taxi, nên đi xe ôm truyền thống của mình cho rẻ”.

“Khi mình báo giá thì tính ra mỗi km cũng chỉ 5.000 đồng mà mưa cũng không tăng giá. Nhưng mà thực chất thì trời mưa khách cũng chẳng mặn mà với xe ôm nên mình cũng chẳng tăng làm gì”, anh Tâm chia sẻ thêm.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm