Phân bón vào gốc cây ba tháng không tan
Tại Nghệ An và Yên Bái, có những loại phân lân bón vào gốc cây mà ba tháng sau vẫn thấy còn nguyên hạt, không thấy tan.
Ngày 15/6, buổi tọa đàm thuộc chương trình “Phân bón giả, tác hại thật” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã diễn ra tại TP HCM.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Quản lý thị trường đã phản ánh thực trạng phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường, đưa ra giải pháp khắc phục từ phía cơ quan quản lý, từ đó đưa ra đề xuất của chuyên gia và đóng góp của doanh nghiệp đầu ngành nhằm giảm bớt tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.
Không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đời sống kinh tế của nông dân, ô nhiễm môi trường và suy giảm niềm tin vào thực phẩm Việt.
Ước tính thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây cho ngành nông nghiệp VN mỗi năm lên đến trên 2 tỉ USD, chưa kể tác động lâu dài cho các năm tiếp theo lên con người và xã hội.
PGS.TS Mai Thành Phụng cho biết VN có tổng diện tích đất tự nhiên là 33 triệu ha, trong đó trên 10 triệu ha canh tác nông nghiệp. Một số cây trồng có vòng quay nhiều hơn một vụ trong năm như lúa, bắp… nên tổng diện tích canh tác nông nghiệp của VN ước đạt 13 triệu ha.
Nếu tính trung bình phân bón giả gây thiệt hại mỗi hecta là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp VN thiệt hại tới 2,6 tỉ USD.
“Đó là mới tính đến việc năng suất cây trồng bị mất đi mà chưa tính đến thiệt hại các vụ sau vì cây ăn phân bón giả thất thu năng suất ở các vụ kế tiếp hoặc có thể chết hàng loạt”, ông Phụng nói.
Không dừng lại ở đó, theo ông Mai Thành Phụng, phân bón giả có thể chứa kim loại nặng, chất kích thích độc hại, chất cấm sẽ đi vào đất gây thiệt hại nghiêm trọng, không thể tính bằng tiền.
“Những chất độc ấy ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây quái thai, dị tật… kéo dài nhiều thế hệ”, ông Phụng cảnh báo.
Phân bón giả cũng gây tác hại tới niềm tin của cộng đồng với nông sản phẩm VN. Uy tín của sản phẩm VN trên thường trường quốc tế bị ảnh hưởng.
Theo ông Hồ Quang Thái, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, phân bón là một trong bốn yếu tố quan trọng nhất cho mùa vụ nông nghiệp (nước, phân, cần, giống).
Cả nước có trên 5.000 loại phân bón khác nhau đang được lưu thông, trong đó các loại phân bón vô cơ do Bộ Công thương cấp phép và quản lý trong khi các loại phân bón hữu cơ thuộc Bộ NN&PTNT.
Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản và chương trình kiểm tra, kiểm soát nạn phân bón giả trong thời gian qua nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
“Còn quá nhiều loại phân bón giả, kém chất lượng, giả nhãn mác công khai mua bán gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân”, ông Thái nói.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất và kinh doanh phân bón giả ở các vùng miền trên cả nước.
Tại Nghệ An và Yên Bái, có những loại phân lân bón vào gốc cây mà ba tháng sau vẫn thấy còn nguyên hạt, không thấy tan.
Cũng tại Nghệ An, hơn 100 tấn phân NPK bán cho dân trồng mía mà khi dùng làm mía cháy lá. Khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra thì thành phần dinh dưỡng cao nhất chưa đến 10% so với mức công bố.
“Nông dân mất tiền mua phân bón, nghĩ cây trồng cho mùa vụ tốt nên cuối cùng lại thiệt hại đơn thiệt hại kép. Đầu tiên mất tiền mua phân giả bằng giá phân thật, mất tiền do thất thu mùa vụ. Chưa kể thiệt hại đến chất đất, môi trường sinh thái”, ông Thái cho hay.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thực tế công tác phòng chống phân bón giả cho thấy do lợi nhuận mang lại rất lớn nên các đối tượng không từ bất cứ thủ đoạn nào để vi phạm.
Hơn nữa, điểm khó của phân bón giả là chỉ khi có thiệt hại của nông dân mới biết là hàng giả. Khi đó thì hầu như các thông tin, bằng chứng ở nông dân đã không còn.
Trong khi đó, văn bản quản lý còn chồng chéo, nhân lực, vật lực của Nhà nước còn hạn chế nên không thể kiểm soát hết được.
Ngày càng có nhiều hành vi sai phạm hơn trong làm giả phân bón vì các đối tượng vi phạm nghiên cứu rất kỹ các quy định pháp luật để lách luật như sai nhãn mác, sản xuất phân kém chất lượng, phân bón giả, quảng cao sai, nhập lậu.
Vì vậy theo ông Lam, thời gian tới vẫn phải tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quản lý về phân bón để tăng cường tính hiệu quả. Các công ty sản xuất phân bón cũng nên chủ động và quyết liệt hơn khi phối hợp với các cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu bị làm giả.
Ông Đặng Hữu Thắng, phó ban tiếp thị truyền thông Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) – đơn vị đồng hành độc quyền của chương trình, cho hay mỗi năm VN sử dụng trên 10 triệu tán phân bón các loại. Phân bón giả, phân bón kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tâm lý của người tiêu dùng bị hoang mang, nghi ngờ các sản phẩm của các thương hiệu lớn”, ông Thắng cho biết.
Ngoài ra, theo đại diện PVFCCo, phân bón giả cũng gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp lớn vì họ sẽ ngại đầu tư công nghệ mới, làm ra sản phẩm cao cấp giảm chi phí cho nông dân.
Bởi vì đầu tư nghiên cứu lâu dài chi phí giá thành cao trong khi phân bón làm nhái, làm giả từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ cạnh tranh dễ dàng do giá thấp.
“Ngoài việc các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, tôi cho rằng Nhà nước cần công bố danh sách các đơn vị đủ điều kiện sản xuất phân bón rộng rãi để nông dân biết và lựa chọn”, ông Thắng đề xuất.
Sau buổi tọa đàm, chuỗi chương trình Phân bón giả - tác hại thật sẽ tiếp tục các hoạt động truyền thông, sự kiện trên nhiều tỉnh thành bao gồm tổ chức các sự kiện hướng dẫn, trao đổi với bà con nông dân tại các điểm nóng trên cả nước về phân bón giả.
PV