1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phân bón giả: Dân thiệt hại tiền tỷ, phạt tiền triệu

(Dân trí) - Trong khi người nông dân "tiền mất, tật mang" thì cơ chế xử phạt chưa mang tính răng đe, địa phương xuề xòa, lực lượng thanh tra, quản lý mỏng, đối tượng lại nhiều thủ đoạn nên vẫn chưa thể dẹp loạn được thị trường phân bón.

Có mặt tại chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Công thương tổ chức sáng 10/2, ông Đặng Thanh Nhàn, thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông phản ánh, cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn, gia đình ông đã bị thiệt hại nặng nề do sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng.

Phân bón giả: Dân thiệt hại tiền tỷ, phạt tiền triệu

Ông Nhàn cho biết, ngày 25/5/2013, gia đình ông đã mua 3 tấn phân của CTCP Vật tư Tổng hợp và Phân bón hóa sinh để bón cho 3 hecta cà phê đang trong thời kỳ phát triển, trái non. Thế nhưng, được bón phân song cây lại không xanh tốt mà héo rũ, lá và trái non rụng nhiều, còn lượng phân đã bón thì không tan (dù có mưa) và đóng rêu xanh.

“Sau đó, Công ty hỗ trợ cho chúng tôi 10 cái áo và mũ, 2 cái thau nhựa để lấp đi nỗi lo âu của bà con. Một thời gian sau đó, công ty hỗ trợ thêm 120 kg phân, trong đó gồm 100 kg (4 bao) phân N-P-K không có nhãn hiệu và 20 kg (4 bịch) phân N-P-K có nhãn hiệu”, ông Nhàn nói.

Làm đơn lên các cơ quan chức năng, mức xử phạt mà UBND tỉnh Đắk Nông đưa ra cho CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh là 55 triệu đồng do vi phạm hành chính sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép.

“Bản thân tôi là người nông dân, làm lụng vất vả, đời sống khó khăn và thu nhập của cả gia đình trông cậy vào vườn cà phê này, để có tiền mua phân phải vay mượn, chốt cà phê non nhưng cuối cùng lại mua phải phân không đảm bảo chất lượng, kết quả là vừa mất tiền (42 triệu đồng), vừa mất mùa, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống gia đình tôi, ảnh hưởng đến cả các mùa sau vì mỗi cây cà phê được chăm sóc thì 3 năm sau mới được thu hoạch”, người nông dân Tây Nguyên trải lòng.

Không chỉ riêng ông Nhàn mà nhiều nông dân khác cũng đã mua phải phân bón giả, tổng cộng thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Do vậy, mức phạt như trên không đáng kể gì so với số tiền doanh nghiệp đã thu về.

Tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đắc Tranh, hội viên Hội nông dân xã Lãng Ngâm cũng cho biết, thôn có 300 hộ thì 200 hộ đã mua phải phân bón giả: không hòa tan được và bị vón hòn.

Ông Tranh chia sẻ, đáng lẽ phần chi phí cho phân bón là 4 triệu đồng nhưng vì mua phải phân bón giả, kém chất lượng nên bà con nông dân lại phải mua bổ sung phân bón để bón tiếp, mất thêm 2 triệu đồng nữa, nếu không cây lúa sẽ không phát triển, dẫn đến mất mùa. 

“Với một hộ thuần nông như gia đình chúng tôi, chừng đó đã là một thiệt hại khá lớn”, ông Tranh nói. Thế nhưng, với những người làm nông thì không thể phân biệt được chất lượng phân bón bằng mắt thường, trong khi công nghệ sản xuất phân bón là hiện đại và tiên tiến.

Cơ quan quản lý "than" khó!

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn tấn phân bón, xử lý nhiều vi phạm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, QLTT đã xử lý 62.000 vụ vi phạm pháp luật, trong đó mặt hàng phân bón đã xử lý 350 vụ, tịch thu hơn 700 tấn với hàng chục nghìn bao phân bón.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, phân bón giả, nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nguyên nhân theo phân tích của ông Lam là do lợi nhuận rất cao từ buôn lậu, đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng nhiều thủ đoạn, thậm chí chống trả quyết liệt. Một yếu tố đáng chú ý là nhiều người dân vì miếng cơm manh áo đã tiếp tay cho đối tượng làm ăn phi pháp. 

“Trong khi người nông dân chất phác, dễ bị lợi dụng thì cũng phải kể đến hệ thống cơ chế chính sách còn nhiều bất cập”, lãnh đạo Quản lý thị trường đánh giá.

Về phía thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, ông Phạm Tiến Dũng -  Phòng Thanh tra chuyên ngành trần tình, do lực lượng thanh tra của ngành mỏng, phải phối hợp với các ngành chức năng khác, phải thu mẫu để kiểm tra (chờ đợi một thời gian mới có kết quả) nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn hơn. Chưa kể với những vụ việc chưa đủ cơ sở để thu giữ hàng thì đối tượng đã kịp tẩu tán ra ngoài.

Chia sẻ với người nông dân, lãnh đạo Thanh tra Bộ cũng cho biết, “với trường hợp hai hộ nông dân vừa nêu đã mua phải phân bón giả thì chúng tôi cũng rất áy náy”.

Trong khi ông Lam cho rằng, vấn đề nằm ở hệ thống phân phối thì ông Phùng Hà- Cục trưởng Cục Hóa chất lại khẳng định, qua thực tế kiểm tra thì hàng giả nhiều nhất là ở khâu sản xuất còn ông Dũng lại nhận định, việc thanh kiểm tra là phải truy xuất từ nguồn gốc chứ không chỉ xử lý riêng đại lý. 

Mặc dù Nghị định đã có nhưng do mức xử phạt nhẹ nên không đủ chất răn đe, nhiều địa phương còn xuề xòa trong xử phạt, lưc lượng thanh tra mỏng nên hoạt động hậu kiểm cũng chưa đạt như mong muốn dẫn đến tình trạng phân bón giả vẫn còn tồn tại.

Do vậy, để ngăn chặn tình trạng phân bón giả hoành hành trên thị trường, các đại biểu cho rằng, cần phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng trong việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón do 5 Bộ quản lý là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học  và Công nghệ; Công An.

Bên cạnh đó, người dân cũng đóng vai trò là “tai mắt” phát hiện, báo cho các cơ quan chức năng xử lý vi phạm.

Bích Diệp