Phải cho dân giám sát thu phí và công khai doanh thu BOT lên internet

(Dân trí) - "Cơ quan quản lý cần giảm sát thu phí bằng việc lắp đặt hệ thống đếm xe từ động, công khai doanh thu trên internet để cơ quan quản lý Nhà nước và người dân giám sát rõ ràng".

Đó là ý kiến của các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong Hội thảo “Cắt giảm chi phí doanh nghiệp - thực trạng và đề xuất” tổ chức ngày 24/8.

Dân và Nhà nước đề nghị được quyền giám sát thu phí và doanh thu BOT của doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)
Dân và Nhà nước đề nghị được quyền giám sát thu phí và doanh thu BOT của doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Theo CIEM, nguyên nhân gây ra tình trạng chi phí vận tải đường bộ, đặc biệt đường bộ đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh và chuyển giao) ngày càng tăng do Thông tư 159/2013/TT BTC cho phép phí đường BOT có thể tăng theo suất đầu tư và khi giảm thời gian thu phí.

Viện CIEM vạch rõ nhiều kẽ hở để xảy ra hệ quả của BOT như: Một số dự án BOT giao thông khai báo doanh thu thấp hơn thực tế; cho phép doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư dự án BOT vay vốn quá nhiều lên tới 90%; không bắt buộc đấu thầu chọn nhà thầu thi công; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoặc Bộ Tài chính cho phép DN BOT lãi 11% trên tổng dự toán đầu tư khi chưa có kết quả quyết toán và kiểm toán công trình.

Để giải quyết thực trạng trên, CIEM đề nghị phải có giải pháp để giảm chi phí vận tải, nhất là chi phí BOT như: Sửa Nghị định 15/2015 theo hướng bắt buộc đấu thầu xây dựng dự án BOT, chỉ chấp nhận vốn vay 70% vốn sở hữu phải có nguồn gốc rõ ràng. Cơ quan quản lý không cho nhà đầu tư thu phí trước để tạo nguồn vốn cho các giai đoạn tiếp theo. Các quỹ dài hạn như quỹ bảo hiểm xã hội có thể cho vay đầu tư vào dự án BOT với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại.

“Cơ quan quản lý cần giám sát thu phí bằng việc lắp đặt hệ thống đếm xe từ động, công khai doanh thu trên internet để Nhà nước và người dân giám sát rõ ràng như đoạn đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, từ khi có giám sát nguồn thu từ 2016 đến nay, doanh thu tăng nhiều hơn so với trước”, đại diện CIEM cho biết.

Theo Viện CIEM: “Nhiều DN xuất khẩu phàn nàn, phí vận chuyển hàng hoá từ TPHCM ra cảng Hải Phòng bằng phí chuyển hàng từ TPHCM đi Nhật Bản”.

Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện CIEM: DN mới gia nhập thị trường đã có 10 chi phí phải chịu từ thủ tục hành chính và các chi phí gia nhập thị trường. Đọc đến đâu, chi phí đối với họ ra đến đó. DN và nền kinh tế đang có nhiều khó khăn nhưng không lượng hoá.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Không có nước nào phải đóng phí công đoàn cao như Việt Nam. Tổng mức phí đóng công đoàn là 2% trên tổng lương, con số rất lớn nhưng chi như thế nào thì không ai biết!

"Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang dần mất tính cạnh tranh vì tăng lương tối thiểu và các mức phí đóng lớn. Chi phí vận tải, không chỉ nhà nước thu mà các hãng tàu cũng thu, thống kê lên tới 70 loại phí, nhiều loại vô lý như phí vệ sinh do một số hãng tàu lạm thu. Đây là bài toán nặng nề của Việt Nam", Trưởng ban Pháp chế VCCI nói.

Ông Tuấn nêu thực tế: Trong nước, phí BOT rất lớn, cách tiếp cận của Việt Nam dường như muốn thu phí chứ không phải dựa trên gia tăng lợi thế và ưu đãi thủ tục. Trong khi đó, kiểm tra chuyên ngành độc quyền như thủ tục kiểm tra động cơ xe ô tô chỉ có Trung tâm kiểm tra chất lượng an toàn ở Hà Nội, DN có hàng ở Đà Nẵng, TPHCM phải chuyển ra Hà Nội với chi phí đường rất cao, đó là nỗi lo cho DN, cho nền kinh tế cần được tháo gỡ, cởi bỏ.

Nguyễn Tuyền