Phá sản nhưng không chết

Thông thường, khi một công ty hoàn toàn chấm dứt hoạt động vì phá sản, hội đồng thanh lý sẽ được lập ra để bán tài sản, trả nợ cho các chủ nợ và vốn cho nhà đầu tư. Nhưng theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ thì khác, mặc dù tuyên bố phá sản nhưng công ty vẫn tiếp tục được hoạt động.

Công ty có thời gian để tái cấu trúc hoạt động mà không phải lo lắng đến việc trả nợ. Vì thế, khi một công ty nộp đơn xin phá sản theo chương 11, người ta còn gọi là xin bảo hộ phá sản, tức công ty được bảo hộ khỏi sức ép trả nợ.

 

Có những trường hợp công ty đã thành công khi tái cấu trúc hoạt động, làm ăn sinh lời trở lại, nhưng cũng có trường hợp "vô phương cứu chữa" đành phải chịu kết liễu. Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ được thông qua vào năm 1978 và có hiệu lực vào tháng 10/1979, khuyến khích các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, giúp nền kinh tế thích ứng với sự thay đổi theo thời đại và cho các nhà quản trị cơ hội để khắc phục những sai lầm trong quá khứ.

 

Thậm chí có người còn cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không hùng mạnh như ngày hôm nay nếu không có điều luật này.

 

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phá sản theo chương 11. Chỉ có những doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính nhưng được đánh giá là có khả năng phục hồi nếu các khoản nợ giảm xuống hoặc được hoãn trả mới được xem xét.

 

Thực ra, các doanh nghiệp cũng rất đau đầu khi phải quyết định có nên phá sản theo chương 11 hay không, vì một khi nộp đơn xin phá sản theo chương 11 thì cổ phiếu của công ty sẽ không còn giá trị. Chứng khoán sẽ bị bãi yết trên các thị trường Nasdaq và New York. Các nhà đầu tư được khuyến cáo là không nên mua chứng khoán của những công ty này vì mức độ rủi ro rất cao.

 

Thông thường, các công ty này sẽ chuyển đổi phần vốn nợ (trái phiếu) của nhà đầu tư thành vốn có (cổ phiếu), tức trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) sẽ chuyển thành cổ đông. Còn các cổ đông hiện hữu sẽ không nhận được bất cứ cổ tức nào trong suốt thời gian hoạt động tái cấu trúc diễn ra.

 

Tuy nhiên, kể từ ngày 17/10/2005, chương 11 đã được thay đổi. Quy định mới về bảo hộ phá sản đã chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ phải tốn kém và vất vả hơn rất nhiều khi muốn phá sản theo chương 11. Đây cũng chính là lý do vì sao các hãng hàng không Delta Air Lines và Northwest Airlines đã "tranh thủ" nộp đơn xin phá sản theo chương 11 trước ngày 17/10.

 

Ngoài ra, quy định mới còn nhằm làm thay đổi cách suy nghĩ của các luật sư. Theo quy định cũ, các công ty có ba tháng để trình kế hoạch tái cấu trúc cho tòa án nhưng các luật sư thường "khéo léo" kéo dài thời gian này ra, có khi thời gian là không xác định, có khi lại được gia hạn nhiều lần. Quy định mới nâng giới hạn thời gian tái cấu trúc doanh nghiệp lên 18 tháng nhưng không thể thay đổi được.

 

Rất nhiều tổng giám đốc phải cúi mặt ra đi vì đã lỡ đưa doanh nghiệp đến bờ phá sản. Năm nay, số tổng giám đốc phải ra đi ở Mỹ có giảm chút ít. Theo chương 11 sửa đổi, các công ty thậm chí sẽ vẫn phải trả những khoản tiền thưởng cho tổng giám đốc vì "sự gắn bó" của họ trong lúc công ty đang gặp khó khăn.

 

Nhiều người không thích quy định mới này nhưng vẫn phải học cách để sống chung với nó. Ủy ban châu Âu (EC) lâu nay cũng lên tiếng phản đối việc Mỹ cho phép các doanh nghiệp được bảo vệ theo chương 11.

 

Theo EC, cách làm này đã tạo lợi thế cạnh canh không lành mạnh cho các doanh nghiệp Mỹ, giúp họ tránh nguy cơ phá sản dù tình hình tài chính có rơi vào khó khăn khó có lối thoát. Nhưng nói gì thì nói, chương 11 sẽ vẫn là "một phần tất yếu" của đời sống kinh tế Mỹ.

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn