Phá bỏ độc quyền đường sắt là cấp thiết
Độc quyền kinh doanh cả hệ thống đường sắt, nhưng tổng thu mỗi năm của ngành này chỉ vẻn vẹn 400 tỉ đồng. Nghe vừa buồn lại vừa bực.
Hiệu quả kinh doanh như vậy, tại sao vẫn để tồn tại?
Có nhiều ý kiến đề xuất phải xã hội hóa ngành đường sắt, cho doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác các tuyến đường vận tải. Phá bỏ độc quyền ngành đường sắt để góp phần phát triển đồng bộ hệ thống giao thông quốc gia.
Ngành giao thông đã cho tư nhân tham gia lập hãng hàng không, cho tư nhân xây dựng cầu đường. Đột phá hơn, ngành giao thông còn muốn “bán” đường cao tốc để có tiền đầu tư xây dựng các đường cao tốc khác, có chủ trương nhượng quyền khai thác các cảng sân bay để chống độc quyền kinh doanh các cảng hàng không. Vậy thì, cớ gì để cho ngành đường sắt độc quyền.
Ngành hàng không chỉ cần cho ra đời một hãng hàng không tư nhân, giá vé hạ ngay lập tức. Lượng khách đi máy bay tăng đột biến. Giá vé máy bay rẻ đến mức hành khách bỏ đường sắt, đi đường không. Hai năm nay, mùa tết là cao điểm, nhưng ga xe lửa vắng hoe, thay vào đó, sân bay đông nghẹt người.
Nếu cho phép tư nhân tham gia, đảm bảo bộ mặt của ngành đường sắt sẽ thay đổi ngay lập tức. Các doanh nghiệp VN sẽ được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt rẻ, nhanh, hiệu quả để tăng sức cạnh tranh. Người dân sẽ được thụ hưởng dịch vụ vận tải đường sắt với những con tàu, nhà ga sạch đẹp và chất lượng cao. Đường bộ sẽ được giảm áp lực, tai nạn giao thông chắc chắn giảm.
Nhưng muốn cho tư nhân tham gia có hiệu quả thì phải có sự hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, thích đáng. Xã hội hóa mà sợ mất độc quyền là không xong.