Nhiều “ông lớn” muốn đầu tư vào 17 dự án đường sắt

Đang có nhiều nhà đầu tư ngoài ngành, thậm chí những “ông lớn” nổi đình nổi đám ở lĩnh vực đầu tư các dự án hạ tầng đường bộ rất tha thiết bỏ vốn vào lĩnh vực xã hội hóa đường sắt.

Nguồn lực XHH sẽ giúp tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt
Nguồn lực XHH sẽ giúp tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt (Vận chuyển container qua đèo Hải Vân) - Ảnh: Ngô Vinh
 
Lợi ích gắn liền công nghệ

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN (VNR) cho biết: “Đang có những nhà đầu tư ngoài ngành rất mong muốn được đầu tư vào đường sắt để cùng chúng tôi phát triển, san sẻ gánh nặng ngân sách đầu tư. Nhưng quan trọng hơn, ngành Đường sắt sẽ có được những công nghệ hiện đại để cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt”.

 

Theo Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” được Bộ GTVT phê duyệt mới đây, có khoảng 17 dự án được đề xuất kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Trong đó 12 dự án thuộc đường sắt hiện có, còn lại là dự án đường sắt xây dựng mới.

 

Thực tế cho thấy, đang có nhiều nhà đầu tư ngoài ngành “để mắt” tới các dự án đường sắt. Trong đó, liên doanh Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) và Công ty Logistics đường sắt (ITL) đang rất quan tâm đến cải tạo và xây dựng kho bãi hàng của ga Yên Viên.

 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt cho biết: “Chúng tôi đã có cả một đề án xây dựng Trung tâm logistics đường sắt tại đây. Nếu được chấp nhận, chúng tôi sẽ triển khai ngay. Mục tiêu cuối cùng để tăng tần suất chạy tàu dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt thông qua các ga do nâng cao được năng lực xếp dỡ container và hàng hóa tại Yên Viên, giảm giá thành vận chuyển trọn gói thông qua kết hợp vận chuyển đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển”, ông Liên nói và cho biết, công nghệ đường sắt đang lạc hậu nên cần được đầu tư công nghệ hiện đại để cùng khai thác, từ đó giảm tải cho đường bộ và đem lại lợi ích cho xã hội.

 

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư đang hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, hiện có cả nhà đầu tư đường bộ cũng mong muốn đầu tư vào đường sắt. Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho biết, đang rất quan tâm đầu tư các dự án nhượng quyền khai thác đường sắt. Dự án mà đơn vị này đang nhắm tới chính là công trình trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hoặc Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

 

Nguồn lực XHH sẽ giúp tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt
Bộ GTVT khuyến khích nhà đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới kết cấu hạ tầng đường sắt để cùng khai thác kinh doanh - Ảnh: Việt Cường

 

Đề xuất đầu tư theo hình thức PPP

 

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Liên cho biết đề án xây dựng Trung tâm logistics đường sắt đã được trình lên VNR. Về hình thức đầu tư thế nào, công ty đang chờ tư vấn. “Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị VNR để đạt được tỷ suất sinh lời là 8%, chúng tôi cần gia hạn thời gian của dự án là 23 năm, giảm giá thuê đất và hỗ trợ miễn phí thuê hạ tầng trong 3 năm đầu”, ông Liên nói và cho biết thêm, Bộ GTVT đã có những định hướng khá rõ để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào đường sắt. “Khi đề xuất đề án này, chúng tôi lo nhất là tư duy của đường sắt chưa thay đổi. Nhưng nay thấy thay đổi được tư duy để huy động được nguồn lực xã hội cho kết cấu hạ tầng đường sắt nên chúng tôi rất mừng”, ông Liên chia sẻ.

 

Các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa theo Đề án của Bộ GTVT khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới kết cấu hạ tầng đường sắt để cùng khai thác kinh doanh. Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ chạy tàu, còn các nhà đầu tư sẽ đầu tư hạng mục nhà ga, kho, ke, bãi hàng và các dịch vụ hỗ trợ.

 

Đối với các dự án thuộc nhóm nhượng quyền khai thác tuyến sẽ tùy mức độ chuyển nhượng để nhà đầu tư có thể được quyền khai thác trong thời gian nhất định và chịu trách nhiệm bảo trì kết cấu hạ tầng. Các dự án xây dựng đường sắt mới sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc BOT... trên cơ sở Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi vay và tỷ giá... Phần vốn Nhà nước sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng và các hạng mục liên quan đến chạy tàu.

 

Theo ông Hồ Minh Hoàng, các dự án đường sắt thường có vốn đầu tư rất lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với các dự án đường bộ. Cùng đó, đặc thù của các dự án đường sắt là thu hồi vốn rất chậm, kéo dài trong nhiều năm. Do đó, để thu hút được các nhà đầu tư và các dự án được triển khai thuận lợi, cần có sự tham gia và hỗ trợ của phía Nhà nước.

 

“Mô hình phù hợp và khả dĩ nhất với các dự án đường sắt là triển khai theo hình thức PPP có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân. Nhà nước có thể bỏ tiền hỗ trợ phần GPMB, hạ tầng cơ sở, còn các nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền xây dựng nhà ga, mua sắm trang thiết bị khai thác và những phần phụ trợ”, ông Hoàng đề xuất đồng thời cho rằng, các dự án đường sắt rất tương đồng với các dự án lĩnh vực hàng không. Hiện hàng không cũng đang được triển khai nhiều theo hình thức này. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường băng, còn tư nhân xây dựng và khai thác cảng.

 

Ông Vũ Tá Tùng cho biết thêm: “Đối với đề án của Liên danh ITL, chúng tôi đã tìm giải pháp để khắc phục các nguyên nhân về công nghệ vận tải đường sắt yếu kém, chưa theo kịp nước ngoài và cả trong nước. Chủ yếu, khối lượng và tỷ trọng vận tải container còn ít, chưa có container tiêu chuẩn, công nghệ vận tải container chưa đúng chuẩn quốc tế. Nếu làm được Trung tâm này sẽ thu hút luồng container từ các phương tiện vận tải khác về đường sắt và quan trọng là công nghệ vận tải tiên tiến”.

 

17 công trình, dự án đường sắt kêu gọi đầu tư

 

Nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Kép - Hạ Long - Cái Lân; Khai thác kho bãi ga Yên Viên; Xây dựng khu ga khách Nha Trang mới và kho, bãi hàng ga Vĩnh Trung; Cải tạo nâng cấp hệ thống nhà ga, kho, bãi của 6 ga: Sóng Thần, Bỉm Sơn, Giáp Bát, Yên Viên, Lào Cai, Đồng Đăng; Khu nhà ga hàng Cái Lân và bãi cảng Cái Lân; Xuân Giao A; Nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh các đoạn: Hà Nội - Vinh; Vinh - Đồng Hới; Đồng Hới - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Nha Trang; Nha Trang - TP HCM. Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình: Hà Nội - Đồng Đăng; Đông Anh - Quán Triều; Bắc Hồng - Văn Điển; Kép - Lưu Xá; Cầu Giát - Nghĩa Đàn; Diêu Trì - Quy Nhơn. Xây dựng mới các tuyến đường sắt: Đắk Nông - Chơn Thành - Vũng Tàu; Di dời ga Đà Nẵng; Xây dựng đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng...

 

Tập đoàn Thái Lan muốn đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng

 

Gần đây, một doanh nghiệp lớn của Thái Lan, hiện đang khai thác gần như toàn bộ hệ thống đường sắt của nước này là Tập đoàn Phát triển công cộng Ý-Thái (ITD) cũng bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư và khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng vào trung tuần tháng 2 vừa qua, ông Premchai Karnasuta, Chủ tịch tập đoàn này cho biết, với kinh nghiệm đầu tư dự án tương tự ở Thái Lan và Myanmar, ngoài việc tham gia tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, ITD còn muốn đầu tư một cảng cạn ở khu vực Gia Lâm để tăng hiệu quả khai thác của tuyến đường. Cùng đó, ITD cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư, khai thác tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái với tổng mức đầu tư 2,5 tỉ USD .

 

Theo Thiện Anh

Giao thông Vận tải
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm