“Phá băng” tín dụng, phải làm sao?
(Dân trí) - Để 2 tháng cuối năm “lấp đầy” 12% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm thì vấn đề mấu chốt là phải xử lý được nợ xấu. Và điều quan trọng nhất không phải là con số, mà là chất lượng tín dụng.
Sáng nay 18/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Báo Lao động đã tổ chức Hội thảo Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015.
Cần “phá băng” tín dụng
TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: Mục tiêu năm nay là đạt tăng trưởng cao 12%, trong khi 10 tháng đầu năm chỉ đạt trên 7%, để tăng trưởng đạt tiếp 4% trong 2 tháng còn lại của năm là điều rất khó khăn. “Ngân hàng thì đang thừa vốn, doanh nghiệp lại không đủ điều kiện để vay, nút thắt ở đây chính là nợ xấu. Giải quyết được nút thắt nợ xấu là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển”, ông Kiêm nói.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Và theo đề xuất của ông Kiêm, hệ thống ngân hàng cần xem xét để “mở hầu bao” đối với cả những doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn tốt. Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh doanh nghiệp cần hàng để dự trữ, sản xuất hàng tết, tín dụng có dư địa để tăng tốt. Nhưng muốn làm được điều này, ngân hàng phải nâng cao chất lượng, đạo đức đội ngũ cán bộ, phải xác định, khảo sát thực tiễn của thị trường để bơm vốn cho hiệu quả.
Đồng tình với TS.Cao Sỹ Kiêm, TS.Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng: “Nếu ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới có thể lên 14% -15%. Để trả lời câu hỏi, tăng trưởng quý IV và năm 2014, chúng ta phải phá được tảng băng tín dụng, đây là công việc khá khó khăn”.
Do vậy, TS.Lê Xuân Nghĩa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên chú ý tới các yếu tố đang khiến nhiều người lo ngại như: Lòng tin đang ở mức thấp, tình trạng doanh nghiệp lũng đoạn ngân hàng khiến nợ xấu gia tăng. Bởi theo ông Nghĩa, ở một số ngân hàng thương mại tầm trung cũng có dấu hiệu cho thấy, ngân hàng đã thành “con tin” của các tập đoàn tư nhân.
“Nếu ngân hàng không cải thiện được căn bản về chuẩn mực đạo đức, thì chúng ta xóa xong nợ xấu này, sau 2 - 3 năm tới sẽ lại phải đi xóa món nợ xấu khác. Điều này chả khác gì việc vừa qua điểm đáy này lại loi ngoi rơi vào điểm đáy khác”, TS.Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn nói.
TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, chính sách tiền tệ thời gian tới không nên nới lỏng, không nên đặt mục tiêu tăng tín dụng 12%. Theo quan sát của ông, tín dụng năm 2014 -2015 chỉ đạt khoảng 10% và cũng không nên hướng tới việc đặt ra mục tiêu rồi phải bằng mọi giá đạt được mục tiêu đó.
“Quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số, mà là chất lượng, là tập trung vào xử lý nợ xấu, đừng để cho nợ xấu mới phát sinh. Không phải nhìn đâu xa, chỉ 3 tháng, 6 tháng thôi, nợ xấu chúng ta sẽ tăng lên nếu nới chuẩn tín dụng”, TS.Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Tín dụng tăng thấp, nhưng dòng vốn được nâng cao
Theo đánh giá cả các diễn giả thuộc Viện Chiếu lược Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm so với các năm trước nhưng hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao. Sự suy giảm được thể hiện rõ qua trong liên tiếp 2 năm 2011 - 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm đã giảm từ trên 30% xuống còn hơn 10%; và trong 10 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ ở mức hơn 7%.
Do đó, “mục tiêu đến cuối năm 2013 là tăng 12% có thể không đạt được do ưu tiên về chất lượng tín dụng, hướng vào chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn, thay vì mục tiêu tăng số lượng, quy mô tín dụng”, bà Nguyễn Thị Hiền (Viện Chiến lược Ngân hàng) nhận định.
Cũng theo đánh giá của bà Hiền, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm các tổ chức tín dụng phù hợp với từng đặc thù hoạt độngvà kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo các mục tiêu đặt ra. Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng có khả năng mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, vững chắc, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng.
Dù tăng trưởng tín dụng không đạt được như chỉ tiêu đề ra, nhưng theo đánh giá của diễn giả, “cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa”.
Thông tin từ Phòng Nghiên cứu tổng hợp (Văn phòng Ngân hàng Nhà nước) cũng cho hay: Sau nhiều năm tăng trưởng ở mức cao (từ 2010 trở về trước)ở mức trên 30%, thì tăng trưởng tín dụng năm 2012 và dự kiến 2013 sẽ tăng ở mức thấp. Phòng Nghiên cứu tổng hợp cho rằng: “Tăng trưởng tín dụng thấp, trước hết xuất phát từ khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước trong những năm qua, dẫn đến tổng cầu giảm sút và nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá là mặc dù tăng trưởng tín dụng ngân hàng 2 năm qua dù thấp nhưng đã tập trung vào các lĩnh vực sản xuất có hiệu quả cao hơn và vẫn đảm bảo mức tăng trưởng của nền kinh tế”.
Qua những số liệu thống kê cho thấy, thực tế từ năm 2011 trở về trước, tín dụng ngoại tệ luôn tăng cao hơn tín dụng bằng VND, trong khi đến 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, tình hình ngược lại: Tín dụng VND tăng khá, còn tín dụng ngoại tệ (bao gồm cả dư nợ cho vay bằng vàng) đã giảm mạnh. Bằng những chính sách kiểm soát thị trường vàng và thực hiện đề án chống đô la hóa nên tín dụng bằng VND đã tăng khá và đi vào thực chất hơn; trong khi tín dụng ngoại tệ giảm mạnh và các nhà nhập khẩu chủ yếu quan hệ mua bán với ngân hàng, phù hợp với mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế của Chính phủ.
Nguyễn Hiền