PGS,TS Trần Đình Thiên: “Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng"

An Linh

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, lan rộng nhất từ trước đến nay và là đợt khủng hoảng phá hủy lớn nhất song cũng chứng kiến nhiều sự sáng tạo nhất...

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã cho biết như vậy tại Hội thảo Toàn cảnh Kinh tế 2020 và dự báo 2021 vừa diễn ra tại Hà Nội chiều 16/10.

PGS,TS Trần Đình Thiên: “Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng - 1

PGS, TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Ông Thiên lấy minh chứng, đại dịch SARS năm 2002 - 2003 đã khiến thế giới mất 30 tỷ USD; đại dịch MERS-COV năm 2012, thế giới mất 90 tỷ USD; đại dịch EBOLA năm 2014 -2016, thế giới mất 75 tỷ USD... Nhưng đến đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, kinh tế thế giới đã mất hàng nghìn tỷ USD.

Nhiều nền kinh tế chịu tổn thương, trong đó có cả các quốc gia phát triển nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Toàn cầu hóa càng nhanh, hoạt động vận chuyển hàng hóa và con người xuyên biên giới càng nhanh khiến đại dịch lan rộng và mức độ phá hủy lớn hơn, từ một nước sang nhiều nước và lan ra toàn cầu.

Ông Thiên nói thêm, ngay tại Mỹ, 6 tháng năm 2020, các báo cáo chính thức cho thấy đã có 3.604 doanh nghiệp nước này xin bảo hộ phá sản, tăng 26% so cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, một bức tranh khác của đại dịch cho thấy số người giàu tăng lên và người giàu lại giàu thêm. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020, bất chấp đại dịch, nước Mỹ có thêm 29 tỷ phú, tài sản tỷ phú tăng 20% và 5 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ (Jeff Bezos, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Warren Buffett và Larry Ellison) đã có tài sản tăng 101,7 tỷ USD.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, đại dịch cũng tạo ra khủng hoảng, nó khiến thế giới nhìn lại vai trò của công nghệ, của kết nối vạn vật. "Khi Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra, tương lai không phụ thuộc nhiều vào quá khứ. Nó giống như một bước ngoặt, nơi tương lai không phải là sự nối tiếp với những gì đã xảy ra”, ông Thiên nói.

PGS Thiên nhận định, kinh tế thế giới hiện không trở lại thời trước Covid-19 mà xuất hiện một thời kỳ kinh tế mới, ở đó kinh tế dựa trên không gian mới, thực thế mới và những nguồn lực mới. Vì vậy, mỗi quốc gia, dân tộc và cộng đồng để phải chuẩn bị tâm thế tốt nhất để nắm bắt, thích ứng và sáng tạo.

Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều giả thiết đặt ra nghi ngại kinh tế thế giới không thể phục hồi nhanh hậu Covid -19 trong thời gian 2022-2023? Rồi việc kinh tế thế giới có thể tiếp tục xấu hơn cho đến 2021 hay không cũng sẽ tác động đến trật tự mới của thế giới.

PGS,TS Trần Đình Thiên: “Không được lãng phí một cuộc khủng hoảng - 2

Theo chuyên gia Trần Đình Thiên: Kinh tế giới hiện không trở lại thời đại trước Covid-19 mà xuất hiện một nền kinh tế mới

Các vấn đề xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có vươn lên tầm cao hơn hay xu hướng bảo hộ có dừng lại?... Ông Thiên cho rằng, những diễn biến bất thường xảy ra sẽ khiến kinh tế thế giới cực kỳ thách thức.

Cấu trúc đầu tư - thương mại thế giới thay đổi mạnh mẽ trong ngắn hạn, trong đó dịch chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng để tránh các cuộc chiến thương mại, nguy cơ đối đầu giữa các nước lớn hay đầu tư để phục vụ lợi ích dân tộc, chiến lược ảnh hưởng của mình như chiến lược “Vành đai - con đường” của Trung Quốc hiện nay.

Theo ông Thiên, trong nguy có cơ, đứng trước những rủi ro rất lớn, mỗi dân tộc, mỗi nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn xa, trông rộng và lựa chọn các tuyến lợi ích để lâu dài. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là nội lực, phải chuẩn bị cho tốt nội lực để có thể làm chủ vận mệnh của mình cũng như không phụ thuộc, lệ thuộc vào quốc gia khác, nhóm lợi ích khác. Thế giới thời đại 4.0 thay đổi nhanh, đòi hỏi chuyển đổi thể chế kinh tế mau lẹ và thích ứng nhanh, mạnh.

Cũng tại Hội thảo PGS, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam nằm trong số nước có tiềm năng phát triển kinh tế, đồng thời ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn so với nhiều nước khác.

Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ của Việt Nam yếu và môi trường thể chế/chính sách có thể khiến phục hồi chậm. Trong dài hạn hơn, kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nặng hơn nếu không có những quyết sách phù hợp, khi diễn biến thế giới trở nên phức tạp.

Ông Thành cho rằng, xu thế của cuộc Cách mạng 4.0 yêu cầu các doanh nghiệp (cùng cả xã hội) chuyển đổi số, xây dựng những mô hình kinh doanh phù hợp để sinh tồn. Bên cạnh đó, không gian phát triển của Việt Nam đang được mở ra với các hiệp định thương mại tự do mới như EVFTA, CPTPP, AEC, và RCEP. Điều này vừa đặt ra cơ hội, nhưng vừa tạo ra thách thức cạnh tranh ngay ở sân nhà của chúng ta.