PGS.TS Ngô Trí Long: “Đấu thầu trực tuyến giúp tránh đi đêm, khuất tất”
(Dân trí) - “Đối với ngành vận tải, đấu thầu trực tuyến giúp công khai minh bạch, tránh tình trạng “đi đêm”, khuất tất mà lại tiết kiệm chi phí, mọi người đều có thể tham gia”.
Đó là nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long bên lề cuộc hội thảo Đấu thầu trực tuyến – Giải pháp cho ngành vận tải trong thời đại 4.0 được tổ chức sáng nay (29/11) tại Hà Nội.
Cách mạng 1.0 là nhờ máy hơi nước nên tạo ra năng suất lao động cao hơn, đến cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 là phát minh ra điện, tác động lan tỏa ra toàn xã hội tạo ra năng suất cao hơn nữa. Đến cuộc cách mạng 3.0 là cuộc cách mạng về bán dẫn và điện tử viễn thông hay nói cách khác là internet, thì cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ số kết nối giữa thực và ảo.
Trong công cuộc thực hiện nền công nghiệp 4.0 này, đối với lĩnh vực giao thông thì hiện nay có hình thức đấu thầu trực tuyến kết nối giữa thực và ảo.
“Đây là hình thức kết nối cung – cầu làm tăng độ công khai, minh bạch, tránh hiện tượng “đi đêm”, quân xanh quân đỏ, tránh khuất tất. Đấy là cái lợi nhất”, ông Long nói.
Để làm được điều này, theo nhiều chuyên gia và nhà khoa học có mặt tại hội thảo, người cung ứng dịch vụ cần có nền tảng công nghệ tốt và khách hàng cũng phải là người am hiểu công nghệ.
“Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì không chỉ đòi hỏi những người chủ doanh nghiệp mà cả những người lao động cũng cần tìm hiểu, nâng cao trình độ thì mới có thể ứng dụng được”, ông Phan Thanh Toàn, chuyên gia công nghệ thông tin cho hay.
Bên cạnh đó, để nhiều doanh nghiệp cùng lên sàn thì hạ tầng cơ sở phải tốt, phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.
“Luật an ninh mạng cần xem xét lại bởi có những điều chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Cũng cần nâng cao trình độ của người lao động, phổ cập, tuyên truyền kiến thức, giúp họ nhận thức hơn rõ hơn về hoạt động kỹ thuật của lĩnh vực này”, Ông Long nói.
Theo ông Long, Cục Đấu thầu yêu cầu giá là điều kiện số 1 nhưng với ngành vận tải hành khách, yếu tố chất lượng, đảm bảo an toàn, điều kiện phục vụ, thái độ phục vụ văn minh,... còn quan trọng hơn nhiều.
Về khung pháp lý, các chuyên gia nhận định, Chính phủ kiến tạo phải tạo hành lang pháp lý từ luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư rõ ràng để thực hiện được đấu thầu trực tuyến.
Cụ thể, PGS.TS Long cho biết, vừa qua đối với ngành Vận tải có Nghị định 116 về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, lắp ráp, bảo dưỡng ô tô làm dư luận cảm thấy lăn tăn vì quá siết chặt đối với xe nhập khẩu.
“Đáng nói, đối với những hãng nhập khẩu nhỏ lẻ chắc không còn khe cửa mà chui qua. Cái này có phải tạo điều kiện cho DN trong nước hay không thì phải xem xét vì còn cơ chế bảo hộ là còn nuông chiều, o bế, không tạo được động lực phát triển”, ông Long cho hay.
Bên cạnh đó, ông Long còn cho biết, Văn bản 112 cũng bổ sung thêm rằng trong năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô của các nước ASEAN bằng 0. Đây là giảm thuế nhập khẩu với kinh phụ kiện nhưng lại ra những điều kiện ràng buộc là DN phải lớn, có quy mô bao nhiêu, số lượng bao nhiêu, đặc biệt cùng lúc phải sản xuất 4 loại xe.
“Trong trường hợp này, luật pháp không tạo sự công bằng, bình đẳng, mà đã không có công bằng, bình đẳng thì không phát triển được, nếu chỉ coi trọng những ông lớn, ông nhỏ mặc kệ thì cần phải xem xét lại”, ông Long nói thêm.
Tựu chung, các chuyên gia đều cho rằng, đối với ngành vận tải, đấu thầu trực tuyến rất có lợi bởi tính công khai minh bạch, không thể có khuất tất mà tiết kiệm chi phí lớn, mọi người đều có thể tham gia. Chỉ có điều là khung pháp lý phải chắc, nền tảng cơ sở phải tốt, người tham gia phải am hiểu và có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Hồng Vân