Peru - thủ phủ tiền USD giả của thế giới
(Dân trí) - Sau khi Mỹ đẩy mạnh truy quét đối với các băng nhóm làm tiền giả tại Colombia, Peru đang nổi lên như một thủ phủ mới của thế giới tiền giả. Tại đây, ngay cả một cậu bé 13 tuổi cũng khiến các sỹ quan cảnh sát phải “choáng” về “kỹ thuật” điêu luyện.
Trong một đợt truy quét những kẻ làm tiền giả tại khu ngoại ô nghèo của thủ đô Peru, một đại tá cảnh sát đã phải “choáng váng” trước thao tác đính dải băng chống làm giả thoăn thoắt, được một nghi phạm 13 tuổi trình diễn.
Cậu bé thực hiện lại các thao tác cho cảnh sát sau khi bị bắt trên phố với một chồng gồm tiền euro và USD có tổng mệnh giá quy đổi lên tới 700.000 USD. Trước đó số tiền giả được cậu bé nhận từ một kẻ đồng phạm và vụ bắt giữ đã dẫn cơ quan chức năng tới một ngôi nhà xập xệ, nơi cậu và những người khác thực hiện các công việc đầy tỉ mỉ.
Với những tên tội phạm lành nghề, tỉ mỉ, nhân công giá rẻ, và đôi khi là cả luật pháp ít được thực thi đầy đủ, Peru trong vòng 2 năm qua đã vượt qua Colombia để trở thành nguồn cùng USD giả lớn nhất thế giới, Cơ quan mật vụ Mỹ - đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ đồng tiền được lưu thông rộng rãi nhất thế giới, cho biết.
Trước tình hình đó, họ đã phải mở một văn phòng thường trực tại Lima hồi năm ngoái. Đây mới chỉ là văn phòng thứ 4 của họ ở Mỹ Latinh, và nó đã giúp cảnh sát Peru bắt giữ được 50 người phạm tội làm tiền giả.
Trong vòng 10 năm qua, 103 triệu USD tiền giả “sản xuất tại Peru” đã bị tịch thu, với khoảng một nửa số này bị bắt giữ từ năm 2010 trở lại đây, các quan chức Mỹ và Peru xác nhận. Không giống những kẻ làm tiền giả khác, vốn chủ yếu dựa vào những máy in hiện đại, giới làm tiền giả Peru còn đi một bước xa hơn khi thực hiện những công đoạn cuối cùng bằng tay trên mỗi tờ tiền.
“Những tờ giấy bạc đó chất lượng rất cao”, một sỹ quan mật vụ của đại sứ quán Mỹ tại Peru nhận xét. “Họ dùng những máy in khổng lồ thường dùng cho việc in báo hay tờ rơi. Sau khi tờ tiền được in, 5 người sẽ được chỉ đạo thực hiện những công việc tỉ mỉ khác, có những hiệu chỉnh nhỏ để nâng cao chất lượng”.
Hầu hết số tiền giả sau đó được tuồn trở lại Mỹ, nhưng cũng có một số được chuyển lậu sang các nước láng giềng như Argentina, Venezuela và Ecuador, đại tá Segundo Portocarrero, người đứng đầu lực lượng chống hàng giả Peru cho biết.
Peru đang trở nên hấp dẫn hơn với những kẻ làm tiền giả, sau khi chương trình Kế hoạch Colombia kéo dài một thập kỷ của Washington truy lùng gắt gao không chỉ những kẻ vận chuyển ma túy tại quốc gia này, mà cả các tội phạm khác, trong đó có tiền giả, ông Portocarrero nhận định.
“Hoạt động này còn thu lợi lớn hơn cả cocaine”, một điều tra viên cấp cao trong đội của Portocarrero cho biết.
Theo khảo sát của Liên Hợp Quốc, Peru cũng đã vượt qua cả Colombia để trở thành nước sản xuất cocaine số 1 thế giới. Nhưng một điều tra viên giấu tên cho biết làm tiền giả còn có lãi hơn hiều bởi chi phí đầu tư đối với cocaine lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn. Hình phạt cho loại hình tội phạm này cũng cao hơn nhiều.
Sau khi trừ chi phí, những kẻ làm tiền giả có thể bỏ túi 20.000 USD tiền thật với mỗi 100.000 USD tiền giả họ sản xuất ra.
Quy trình sản xuất thường như sau. Đầu tiên là khâu thiết kế. Những kẻ này sẽ dùng các chương trình như Corel Draw hay Microsoft Office. Kế đến là quá trình tạo hoa văn, khắc bản in kim loại, in ốp sét và cuối cùng là chỉnh sửa.
Trong khâu chỉnh sửa, một tấm tiền lớn được phủ lên một lớp véc-ni sáng. Mỗi tờ giấy bạc, thường là 12 tờ/tấm, sau đó được cắt rời ra.
Những dải băng chống làm giả sau đó được gắn vào bằng kim và cố định bằng keo được bơm vào bằng kim tiêm. (Khi đưa một đồng 20 USD lên ánh sáng, dải băng chống làm giả có dòng chữ “USA TWENTY” sẽ hiện lên chạy ngang tờ tiền).
Tờ tiền sau đó được đưa qua một thiết bị mà những kẻ làm giả gọi là “enmalladora”, hay máy đan lưới. Hai trục cán được phủ bằng sợi thô sẽ khiến tờ tiền có bề mặt thô ráp. Bước cuối cùng là chà những tờ tiền bằng giấy nhám.
Những tờ tiền được làm giả tinh vi có thể dễ dàng đưa vào lưu thông tại Mỹ trong các cửa hàng bán lẻ, nơi những người thu ngân ít cảnh giác, một nhân viên Mật vụ Mỹ cho biết.
Thường chỉ có những tờ 100 USD được những kẻ làm giả chuyển vào Mỹ, trong khi những tờ 10 USD và 20 USD được chuyển sang các nước láng giềng của Peru, ông Portocarrero cho biết. Nhu cầu tại Argentina và Venezuela là rất lớn bởi các biện pháp kiểm soát tiền tệ thiếu chặt chẽ, và tiền giả hầu hết có mặt trên thị trường chợ đen.
Nhưng dù giỏi đến đâu, theo ông Portocarrero, những kẻ làm tiền giả vẫn phải chịu thua máy quét hồng ngoại mà các ngân hàng sử dụng. Điều này là do chúng thường sử dụng giấy thông thường có trên thị trường, khiến mực in dễ bị nhòe đi khi gặp nước. Nếu những kẻ này có thể tiếp cận loại giấy chuyên dùng để sản xuất tiền, khi đó sẽ chẳng ai có thể phát hiện, Portocarrero khẳng định.
Thanh Tùng
Theo AP